“Đối với những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới, hiện tại, họ nên giảm số lượng bạn tình, cân nhắc khi quan hệ tình dục với bạn tình mới và trao đổi liên lạc chi tiết với họ để có thể theo dõi thêm nếu cần”, AFP dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay, đề cập tới cách tốt nhất để phòng tránh lây nhiễm là “giảm nguy cơ phơi nhiễm”.
Ông Tedros cho biết tính đến 27/7, WHO nhận báo cáo 18.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ từ 78 quốc gia, với 70% trường hợp ở châu Âu và 25% ở châu Mỹ. 98% trường hợp là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
Kể từ đợt bùng phát hồi tháng 5, thế giới ghi nhận 5 ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ, với khoảng 10% phải nhập viện để kiểm soát cơn đau.
|
Người dân Mỹ đến tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ tại New York hôm 15/7. Ảnh: Reuters.
|
Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học New England tuần trước cho thấy 98% người nhiễm là người đồng tính nam hoặc nam giới quan hệ lưỡng tính. 95% trường hợp lây truyền qua sinh hoạt tình dục.
Các chuyên gia cho biết bệnh đậu mùa khỉ lây chủ yếu khi tiếp xúc gần gũi. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn chưa thể coi là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI). Họ cũng cảnh báo không nên nghĩ chỉ có một cộng đồng duy nhất bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.
“Bất cứ ai có tiếp xúc đều đối mặt nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ”, ông Tedros nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi các quốc gia hành động để giảm nguy cơ lây nhiễm ở các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em và phụ nữ mang thai.
WHO đã nhiều lần cảnh báo về thái độ kỳ thị xung quanh căn bệnh này. Tổ chức này nhấn mạnh kỳ thị có thể ngăn cản người mắc tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt y tế khi cần.
“Kỳ thị và phân biệt đối xử nguy hiểm hơn bất cứ loại virus nào, và có thể làm bùng phát dịch bệnh”, ông Tedros nói.
WHO cũng khuyến nghị tiêm vaccine cho những người tiếp xúc với bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ hoặc nhóm nguy cơ phơi nhiễm cao, bao gồm cả nhân viên y tế và người có nhiều bạn tình.
“Tại thời điểm này, chúng tôi khuyến nghị không nên tiêm chủng đại trà phòng bệnh đậu mùa khỉ”, ông Tedros cho hay.
Ông cũng cho biết thế giới có 16 triệu liều vaccine trị đậu mùa khỉ, nhưng phải mất nhiều tháng để sẵn sàng sử dụng. “Hầu hết đang ở dạng thô, do đó chúng sẽ mất nhiều tháng để được đóng vào lọ và sẵn sàng sử dụng”, tổng giám đốc WHO cho biết, đồng thời kêu gọi các nước chia sẻ vaccine.
Trước đó hôm 23/7, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC).
Bệnh đậu mùa khỉ đã được hình thành ở nhiều nơi tại khu vực Trung và Tây Phi trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, hồi tháng 5, giới chức báo cáo xuất hiện nhiều ca nhiễm ở châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều nơi khác. Tại đây, bệnh lây lan ở người không có liên hệ với động vật hoặc không du lịch sang châu Phi trong thời gian gần đây.
Theo giáo sư Devi Sridhar, người đứng đầu bộ phận y tế công cộng toàn cầu của Đại học Edinburgh, phản ứng cần thiết đối với bệnh đậu mùa khỉ là nỗ lực tiêm chủng mạnh mẽ, trước tiên là ở những người nguy cơ cao, đảm bảo cung cấp đầy đủ và cơ hội tiếp cận vaccine.
Chuyên gia này cho rằng cần có thông điệp và giáo dục rõ ràng để nâng cao nhận thức về các triệu chứng và xét nghiệm, đồng thời hỗ trợ những người muốn cách ly và cần nghỉ làm, theo Guardian.
"Chỉ khuyến cáo mọi người không nên quan hệ tình dục sẽ không mang lại hiệu quả. Sẽ hiệu quả hơn nếu chỉ ra cách giảm thiểu rủi ro và bảo vệ bản thân", bà Sridhar nhấn mạnh.