Tôi đã chọn ngồi bàn riêng với ly cà phê và chiếc điện thoại, ấy thế mà câu chuyện của anh trai và bạn anh cứ lọt vào tai.
Anh Linh (đồng nghiệp cùng tổ máy của anh tôi) than: “Chắc tui phải đu trend bọn trẻ trên mạng, in mẫu đơn xin được vào tù, chứ sống ngoài này với vợ khổ quá, chịu không nổi!”.
“Sao lại đến nông nỗi thế?”, Tiến - anh trai tôi - hỏi.
“Vợ tôi cứ mỏng như sợi dây tóc bóng đèn, hễ động đậy một tí lại rung lên bần bật. Đụng gì cũng bị xét nét, cũng bị suy diễn tại nọ tại kia. Mệt hết cả người”, anh Linh rầu rĩ.
Năm ngoái, giảng viên của khóa học chăm sóc sức khỏe tinh thần của tôi nói về chủ đề người nhạy cảm. Nếu nhạy cảm ở mức độ tích cực sẽ đạt được sự tinh tế, thấu hiểu. Tuy nhiên, nhạy cảm quá đà thì khác, đó là sự kích thích, mẫn cảm ngoài cần thiết. Người như vậy sẽ dễ vui vẻ, nhưng cũng dễ buồn phiền.
|
Ảnh mang tính minh họa |
Tâm trạng luôn mất kiểm soát bởi các yếu tố khách quan dẫn đến sáng mưa, trưa nắng, chiều tối lại nổi bão giông.
Thấy anh Linh hoang mang, anh Tiến góp chuyện: “Thực ra, phụ nữ vốn hay càm ràm cái này, nhăn nhó cái kia. Vợ tôi cũng phiền lắm. Cô ấy luôn xem chồng như con, muốn dặn dò, uốn nắn. Tự cô ấy ôm đồm mọi việc rồi cũng chính cô ấy lại trách mắng chồng mãi là đứa trẻ to xác không biết lo toan”.
Anh Linh phản đối: “Bạn nhầm to. Phụ nữ nhạy cảm khác phụ nữ ôm đồm. Phụ nữ ôm đồm là muốn kiểm soát, “cải tạo”, còn phụ nữ nhạy cảm lại thích suy diễn, quy kết kiểu không trúng không trật. Tôi vừa nhận chiếc thiệp mời của người yêu cũ. Tôi rủ vợ đi dự cùng, cô ấy từ chối, vì muốn chồng được tự do thể hiện cảm xúc. Nhưng, khi tôi đi, cô ấy lại giận lẫy, vẻ mặt bùng nhùng: “Không có em thì tha hồ ngắm vẻ lộng lẫy của người xưa”.
Nghe anh Linh nói, tôi cười thầm, nhớ lại lời than thở của anh Tiến nhà tôi ngày xưa. Dạo ấy, anh và chị Châu chỉ mới hẹn hò được vài tháng. Những lúc “có biến”, anh lại tìm tôi để “xin ý kiến”.
Có đợt anh chìa ra đoạn thơ, bảo của chị Châu gửi, bắt anh đoán ý: “Em bảo anh đi đi/ Sao anh không đứng lại?/ Em bảo anh đừng đợi/ Sao anh lại về ngay?”. “Chị đang giận anh, giận lắm!”, anh nói thêm. “Thì đúng rồi. Chắc anh lại thiếu nhạy cảm, làm phật ý chị điều gì nữa rồi”, tôi góp chuyện.
Dạo đầu, nghe tin anh có người yêu xinh đẹp, cả nhà tôi lăn ra bất ngờ vì anh thật thà và… tồ. Anh chẳng thừa hưởng được chút tinh tế, nhạy bén nào từ ba. Ba tôi thường đoán ý mẹ rất giỏi, nên mẹ rất cưng ba. Nhiều lần, trong bữa cơm gia đình, mẹ nói, với thiên chức tay hòm chìa khóa, quán xuyến mọi việc lớn bé trong gia đình nên ít nhiều, mỗi người phụ nữ đều có sự nhạy cảm.
Cơ bản cách thể hiện ra bên ngoài dễ chịu hay khó chịu mà thôi. Và muốn có một bầu không khí gia đình luôn thoải mái thì những người đồng hành cũng phải chung sức, mọi người phải thấu hiểu, chu đáo, đừng ẩu tả, hời hợt. Chẳng người phụ nữ nào muốn mình trở nên xấu xí trong mắt chồng con.
Sau này, có lẽ nhờ “quân sư mẹ chồng” tư vấn cho chị Châu, nên cuộc hôn nhân của anh trai tôi luôn êm ấm, suôn sẻ. Mấy lời anh tôi nói với bạn sáng nay chỉ là hú họa để động viên bạn mình trong cơn căng thẳng, chứ anh chị tôi bây giờ hạnh phúc lắm.
Để thích nghi và hòa hợp với nhau, anh chị thường xuyên có những quan sát, thực hành tâm lý đầy hiệu quả. Anh tôi đã bớt “tồ”, chị cũng giản lược những tình huống nhạy cảm, suy diễn quá đà.
Tôi quan sát thấy, lúc tâm trạng vui vẻ, thì ai cần điều gì sẽ nói thẳng ra ngay, không nhọc công bắt đối phương đoán ý. Những lúc một trong hai người mệt mỏi, quá tải vì cảm xúc thì người còn lại sẽ nhường nhịn, lui vào một góc giữ khoảng cách để chờ đợi. Đến lúc nguôi ngoai sẽ hỏi: Anh/em cần gì?
Chị Châu ngày càng dẻo dai, xinh đẹp. Chị bảo, cách tốt nhất để giảm đi sự nhiễu động từ bên ngoài, là hãy quay vào bên trong, quan sát chính mình và nhạy bén với những dấu hiệu của sự méo mó, già nua.
Tôi quay lại với chiếc điện thoại của mình đây, mặc kệ những ông anh. Vợ chăm chưa kịp thì than vợ hời hợt vô tâm, vợ quan tâm hơi quá lại thấy rắc rối. Hơi khó một tí đã đòi… giãn cách. Đỏng đảnh quá, chị em chúng tôi “chốt đơn” luôn!