Ngày tôi đưa cô ấy về ra mắt gia đình, mọi người cũng khá vui vì cô gái này hiểu chuyện, mặt mũi lại hiền lành. Nhưng khi biết cô ấy có con riêng đã 5 tuổi, mọi chuyện lại khác. Mẹ tôi sầm mặt và cấm tiệt hai đứa qua lại với nhau. Mẹ bảo: "Mày lấy gái có một đời chồng cũng được nhưng phải không vướng bận con cái. Con gái có con rồi thì coi con là cả thế giới, chồng chỉ xếp sau thôi con!"
|
Ảnh minh họa. |
Các chị tôi thì bảo: "Hai đứa chúng mày mỗi người một đứa con rồi về dăm bữa nửa tháng lại cãi nhau thôi. Sống sao được mà đòi hạnh phúc dài lâu. Mày tìm người khác đi em."
Tôi thì cho rằng mình từng làm bố rồi nên có thể cảm thông và chăm sóc được con riêng của vợ. Còn cuộc sống con anh, con tôi, con chúng ta sẽ không xảy ra vì con gái tôi đã sống với mẹ. Tôi cãi nhau với cả nhà khá nhiều, đấu tranh mãi cuối cùng hai chúng tôi cũng tới được với nhau.
Vợ tôi tính cách hiền đúng như cái tên của em vậy. Những ngày đầu sống với nhau, hai vợ chồng và con riêng chẳng xảy ra vấn đề gì. Con bé nghe lời anh, tôi cũng thương nó. Con gái tôi thi thoảng sang chơi, hai đứa cũng khá hòa thuận nên bố mẹ và các chị tôi dần dần cũng bớt định kiến.
Những năm tháng về sau cô ấy vẫn thế, vẫn là người vợ đảm, mẹ hiền và rất biết vun vén cho gia đình. Bao nhiêu tiền lương tôi yên tâm đưa cả cho vợ, cô ấy chi tiêu tiết kiệm và bàn với tôi để dùng vào những việc to lớn trong tương lai.
Tới khi chúng tôi có con trai, em chăm con rất khéo, bé kháu khỉnh nên tôi vui lắm. Nhưng từ khi có con chung, em lại rất hay than vãn chuyện chi tiêu tốn kém, tiền quần áo, tã lót, bỉm sữa… rồi việc tôi cho con gái riêng tiền hàng tháng em cũng than. Em còn bảo: "Ở với mình chắc gì con bé đã tiêu hết ngần ấy tiền mà tháng nào anh cũng cho nó nhiều thế."
Tôi không vui lắm nhưng vẫn dỗ em: "Con gái đã thiếu tình cảm của bố rồi nên anh bù đắp cho nó thêm một chút thôi mà em. Với số dư đó có đáng là bao, thi thoảng mẹ nó còn mua quần áo cho con bé chứ!"
Không biết vì phải chuyện cho con riêng nhiều tiền không mà tôi nhận thấy sau khi nói với tôi chuyện đó, em bỗng trở nên tằn tiện hơn hẳn. Mua đồ cho con chung lúc nào cũng chọn những đồ hạ giá gần hết hạn sử dụng, mua hàng khuyến mại, rồi mua bỉm, mua sữa hàng chợ không rõ nguồn gốc. Có khi mua quần áo cho con cũng cò kè từng đồng, chọn mua cái này thay vì cái kia chỉ vì hơn nhau vài đồng bạc. Bữa ăn gia đình thì em mua vài ba món đơn giản, thanh đạm.
Tôi góp ý nhiều lần thì em tỏ ra khó chịu và bảo: "Tiền làm ra chỉ có nhiêu đó, phải biết lựa chọn rồi chi tiêu cho phù hợp chứ."
Miệng thì em nói vậy, thế mà tôi thấy con gái riêng của em vẫn được mẹ mua cho đồ mới đều đều. Có hỏi, em lại bảo tôi hay soi và đó là đồ bạn em tặng, bà ngoại mua... Có hôm tôi đưa con đi học, hỏi nó có thích ăn bánh bông lan không, nó hồn nhiên đáp: "Con không ăn đâu, chán lắm rồi. Mẹ mua cho con suốt mà". Tôi hơi bất ngờ vì lúc nào em cũng than túng thiếu, rồi kể khổ con gái không được ăn uống đầy đủ, cả năm mới được mua đồ mới vài lần. Nhưng suy nghĩ hoài nghi đó dấy lên trong tôi nhanh chóng bị công việc cuốn đi.
Tối đó, tôi đi ra ngoài tiếp khách không ăn cơm nhà nhưng khách có việc riêng gia đình nên lại hủy vào phút chót. Tôi trở về nhà thấy em và con gái đang ăn uống linh đình với hải sản nào ghẹ, nào mực,… khác hẳn những bữa ăn thanh đạm hàng ngày.
Thấy tôi về, em hốt hoảng rồi lắp bắp giải thích: "Nay con bạn em ở Hạ Long ra chơi nên có mang cho ít hải sản. Tính đợi anh nhưng hải sản lại không tươi nữa nên mẹ con ở nhà ăn trước."
Nhìn điệu bộ bối rối của em, tôi hiểu ra em chỉ đang cố che giấu tôi mà thôi. Tôi không biết phải xử sự thế nào nhưng thật sự thất vọng về em.
Tôi luôn nhún nhường cô ấy trong mọi chuyện, tin tưởng cô ấy chuyện tiền nong thế mà cô ấy lại hành động khiến tôi buộc phải hoài nghi. Cô ấy không muốn tôi cho con tôi tiền dù đó là một khoản cố định hàng tháng. Trong khi bản thân em và con của em lại ăn tiêu hoang phí, mua sắm đều đều bằng tiền lương của chồng mà vẫn kêu nghèo, kêu khổ.
Nhưng sự thật này đang phơi bày trước mặt tôi, tôi không biết làm thế nào. Cuộc hôn nhân bị cả gia đình cấm cản đang khiến tôi thấy mệt mỏi và thất vọng.