Rau quả là nguồn cung cấp vitamin C và caroten cho cơ thể. Vitamin C là loại tan trong nước, nếu thừa vitamin C thì cơ thể sẽ tự đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Nhưng nếu sử dụng vitamin C khoảng 1.000mg/ngày thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng buồn nôn, tiêu chảy, tăng nguy cơ sỏi thận,...
Rau, quả … thần dược cho sức khoẻ
ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, Vitamin C (tên khoa học là acid ascorbic) tham gia vào quá trình hình thành collagen, tổng hợp carnitin, tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, hoạt hóa hormon, khử độc, là chất chống oxy hóa, giúp hấp thu và sử dụng sắt, canxi và acid folic.
Ngoài ra, vitamin C còn có chức năng chống dị ứng, tăng cường miễn dịch, kích thích tạo dịch mật và giải phóng các hormon steroid. Vitamin C cần cho chuyển đổi thành acid mật, liên quan đến giải độc.
Rau quả là nguồn cung cấp vitamin C và caroten cho cơ thể, rau còn cung cấp các chất khoáng có tính kiềm như kali, canxi, magie. Hoa quả tươi và rau lá là nguồn cung cấp rất giàu vitamin C như: cam, quýt, chanh, xoài, đủ đủ, cà chua, cải xanh, nhãn, hành, mồng tơi, ngót, dền,...
Do đó, theo BS Nguyễn Văn Tiến, việc ăn rau quả hàng ngày vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Người dân nên ăn phối hợp nhiều loại rau quả để có đủ các loại vitamin và chất khoáng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu hóa và hấp thu các thành phần dinh dưỡng khác.
“Mức tiêu thụ rau quả cho người trưởng thành là 300g rau/người/ngày, quả là 100g/người/ngày; với trẻ em cần lượng từ 100-200g/trẻ/ngày”, BS Văn Tiến nêu.
Thừa, thiếu vitamin C đều nguy hiểm
Nói về nhu cầu vitamin C, theo BS Văn Tiến, đối với trẻ từ 6-11 tháng cần 25-30mg/ngày, trẻ từ 1-6 tuổi: 30mg/ngày, trẻ từ 7-9: 35mg/ngày, tuổi vị thành niên 10-18 tuổi là 65mg/ngày, người trưởng thành: 70mg/ngày. Đối với phụ nữ có thai tiêu chuẩn cần đủ là 80mg/ngày, bà mẹ cho con bú là 95mg/ngày.
Tuy nhiên, theo BS Tiến nếu hàng ngày, người dân ăn đủ rau xanh và hoa quả chín thì không cần bổ sung thêm thực phẩm chứa vitamin C. Nếu cơ thể tiêu hóa và hấp thu kém thì có thể bổ sung thực phẩm chứa vitamin C (theo chỉ định của bác sĩ).
“Vitamin C là loại tan trong nước, nếu thừa vitamin C thì cơ thể sẽ tự đào thải ra ngoài. Hiện nay, thiếu vitamin C hiếm gặp. Triệu chứng ban đầu không đặc hiệu như mệt mỏi, thở nông, khô ráp, chậm lành vết thương và có những nốt xuất huyết da, xuất huyết mạch. Thiếu vitamin C kéo dài có thể dẫn đến xuất huyết thành mạch (vitamin C có tác dụng giữ bền thành mạch máu).
Thiếu vitamin C khi cơ thể hấp thu được dưới 10mg/ngày, kéo dài trong nhiều tuần. Những người có nguy cơ thiếu vitamin C gồm: người hút thuốc lá và những người tiếp xúc với khói thuốc lá, những người ăn uống không đầy đủ: nghiện rượu, người cao tuổi, một số người mắc bệnh như: kém hấp thu đường ruột, các bệnh thận ảnh hưởng hấp thu và sử dụng vitamin C”, BS Tiến nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, BS Văn Tiến cảnh báo việc thừa vitamin C cũng có thể dẫn tới nhiều tác hại. Nếu dùng vitamin C liều cao kéo dài, có thể gặp các tác dụng không mong muốn như: rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày - tá tràng, viêm bàng quang, tiêu chảy, tăng tạo sỏi thận, gây bệnh gút, giảm độ bền hồng cầu, cản trở hấp thụ vitamin A, B12 và có thể gây ra hiện tượng ức chế ngược nếu ngừng đột ngột. Nếu sử dụng vitamin C khoảng 1.000mg/ngày thường xuyên có thể dẫn đến: buồn nôn, tiêu chảy, tăng nguy cơ sỏi thận,...
Do đó, vị chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, trong trường hợp người dân có các biểu hiện thiếu vitamin C cần đến viện để được khám và tư vấn kịp thời, tránh tình trạng uống bổ sung vitamin C một cách vô tội vạ.