Theo một con số thống kê, có tới 60% đàn ông và 40% phụ nữ ngoại tình trong xã hội Việt Nam. Con số đủ để thấy, dường như nó đã trở thành vấn đề xã hội chứ không chỉ còn là hiện tượng. Điều này thể hiện nhu cầu tình dục đang được giải phóng, nó kéo theo nhiều hệ lụy, nhưng đồng thời cũng là hệ quả tất yếu của sự phát triển xã hội.
|
Ảnh nguồn internet |
Nhìn lại xã hội nước Mỹ qua tác phẩm “Chuyến tàu dục vọng” những năm 1959, chúng ta sẽ phần nào đồng cảm. Thời kỳ của những ẩn ức tình dục, của ngọn lửa dục vọng làm điên đảo xã hội, luân lý thông thường thời bấy giờ. Trải qua giai đoạn đó, nước Mỹ ngày nay đã có cái nhìn cởi mở với tình dục là nhu cầu cơ bản của con người, chứ không phải là sự trói buộc của hôn nhân. Bởi thế, tỷ lệ ly hôn ở Mỹ cao hơn nhiều lần tại Việt Nam, nhưng họ không thấy đau khổ vì điều đó, bởi không coi hôn nhân là sự ràng buộc mãi mãi. Ngay cả trong tình yêu, họ cũng có thể thoáng hơn trong việc tôn trọng nhu cầu tình dục cá nhân, có thể sex và sau đó trở thành bạn.
Thậm chí còn có anh chàng chấp nhận bạn gái của mình đồng thời có quan hệ tình dục với một người đàn ông khác. Họ quan niệm, yêu là để hạnh phúc, nếu người yêu mình hạnh phúc, chẳng có lý do gì mình lại ngăn cản, chỉ vì tính sở hữu của mình. Tất nhiên quan niệm, trường hợp này quá mới mẻ ở Việt Nam.
Nói đến tình nhân, người phụ nữ thiệt thòi, chấp nhận đứng sau tất cả, chỉ để có thể bên người mình yêu thương. Có lẽ xét về mặt cảm xúc, so với vợ, họ chỉ là người đến sau. Còn nếu có trách, hãy trách người đàn ông của bạn. Bởi ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, bạn ngày xưa, cũng từng có được anh ấy trước bao sự khao khát của những cô gái khác. Có khác nhau, thì chỉ là cô ấy đến sau bạn. Bạn hơn cô ấy ở sự giàng buộc trách nhiệm với con cái, với tờ giấy đăng ký kết hôn. Cô ấy không giành hạnh phúc của bạn, bởi bạn có chắc rằng người đàn ông đang bên mình vẫn còn vì tình yêu mà chung sống?
Thậm chí có những màn đánh ghen, mà ông chồng đứng ra bảo vệ người tình. Tất nhiên hành động này chỉ càng làm cho con thú trong các chị điên cuồng hơn. Đôi khi, các chị biết, lỗi là ở chồng mình, hoặc vốn gia đình đã cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Nhưng chồng là của mình, hơn nữa các chị đánh không lại, mà có đánh lại cũng là thiệt về phần mình, nên các chị xử lý nhân tình. Vì bất lực mà lao vào trút giận, trút hận lên nhân tình.
Các chị hả hê làm nhục, đánh đập, bôi xấu, để người ta biết đường mà rời xa. Ấy thế mà các chị lại quên là, trong tình yêu, càng xa lại càng nhớ, càng cấm cản lại càng muốn vượt rào. Bởi suy cho cùng, các chị đã là người ngoài rồi, họ yêu nhau, thì chị mới chính là người ngoài. Nên bảo sao, nhân tình cũng ghen, cũng tủi khi đi bên người họ yêu là các chị, thói ghen ngược nhưng lại hợp logic tình cảm con người.
Gía mà phụ nữ chủ động hơn trong cuộc sống của mình, để xa chồng cũng vẫn sống tốt, xa người đàn ông không còn yêu thương mình nữa vẫn sống vui vẻ. Coi hôn nhân là thử thách của tình yêu, nếu nó chấm hết thì là nó phải vậy, không dằn vặt, sụp đổ bởi cảm giác gia đình tan vỡ, con cái bơ vơ. Bởi theo các nhà tâm lý học, trẻ con sẽ hạnh phúc nếu nhận được tình yêu từ cha mẹ chứ không phải việc có đầy đủ cha mẹ ở bên nhưng thường xuyên cãi vã, thờ ơ lạnh nhạt với nhau.
Vợ và nhân tình, đều là người phụ nữ đem đến yêu thương cho chồng, nhưng ở hai thời điểm khác nhau, vậy cớ gì các chị hành hạ, đánh đập họ? Khi trái tim chồng không hướng về các chị, thì đó đâu còn là người đàn ông của các chị nữa? Các chị muốn giành lại người đàn ông của mình, thì các chị phải trở nên đáng yêu, mới được yêu, chứ sao các chị lại trở thành thú vật lao vào cắn xé đồng loại?
Cũng có khi, chỉ là phút đi lạc cảm xúc của đàn ông, khiến các chị chột dạ mà nhìn lại mình, rồi thay đổi, rồi vun vén lại tình cảm đang rạn nứt, thì lúc này, các chị phải ơn cô gái nhân tình đã cứu rỗi hôn nhân của các chị. Xã hội thế, con người là thế, không có gì bất biến cả, vì thế đừng nhảy chồm lên như mất của để rồi hành hạ một người phụ nữ cũng yếu mềm như các chị khi yêu.