Uống trà chứa băng keo dính máu có khả năng nhiễm HIV không?

Google News

Dư luận đang xôn xao trước thông tin một bệnh nhân phải dùng thuốc chống phơi nhiễm HIV, sau khi uống trà vải có chứa băng keo y tế. Thực hư nguy cơ lây nhiễm HIV như thế nào, ĐS&PL đã vào cuộc tìm hiểu.

Uống trà chứa băng keo y tế có thể lây nhiễm HIV?
Mới đây, nickname C.T.T.N đã chia sẻ câu chuyện của nhóm mình khi đi uống trà vải tại một thương hiệu khá nổi tiếng ở TP. HCM. Theo đó, khi uống gần hết cốc trà, một người bạn trong nhóm của N. phát hiện trong cốc nước của mình có 1 miếng băng keo cá nhân. Khi thăm khám tại bệnh viện Nhiệt đới, bác sĩ phân tích tình trạng miếng băng keo cá nhân đã qua sử dụng, có khả năng dính máu rất cao nên người uống ly nước trên hoàn toàn có khả năng bị phơi nhiễm với các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan hay HP...
Uong tra chua bang keo dinh mau co kha nang nhiem HIV khong?
Sau khi uống cốc trà vải có chứa miếng băng keo y tế đã qua sử dụng, một tài khoản Facebook chia sẻ phải điều trị phơi nhiễm HIV. 
Cụ thể nội dung N. chia sẻ: “Cách đây hơn 2 tuần tụi mình có uống trà vải tại cửa hàng Huỳnh Thúc Kháng (Sài Gòn), sau khi uống gần hết ly thì tụi mình phát hiện ra một miếng băng keo cá nhân đã sử dụng ở trong ly trà vải. Ngay sau đó tụi mình báo với quản lý cửa hàng, yêu cầu phía công ty đem miếng băng keo cá nhân đi xét nghiệm và lập tức đưa bạn mình đi một vài bệnh viện gần nhất để kiểm tra. Qua các bệnh viện quận 1, bệnh viện Sài Gòn thì bác sĩ đều khuyên tụi mình qua bệnh viện Nhiệt đới, vì nơi đây chuyên về lây nhiễm để tiến hành kiểm tra. Sau khi khám tại bệnh viện Nhiệt đới, với tình trạng miếng băng keo cá nhân đã qua sử dụng, tức là có khả năng dính máu rất cao thì bệnh nhân hoàn toàn có khả năng bị phơi nhiễm với các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan hay HP... Nên bác sĩ đã ngay lập tức kê đơn thuốc phòng chống phơi nhiễm với liều dùng 28 ngày để đảm bảo hiệu quả tốt nhất của loại thuốc này. Và phải đợi sau 3 tháng thì mới đủ thời gian để xét nghiệm ra kết quả chính xác là có bị lây nhiễm hay không? Tụi mình đã rất sốc với chẩn đoán này của bác sĩ. Không ai nghĩ mình có thể bị nhiễm những bệnh đó chỉ vì một ly trà vải".
Ngay sau khi đăng tải, bài chia sẻ đã nhận được rất nhiều bình luận của cộng đồng mạng. Hầu hết đều bày tỏ sự lo lắng, bởi trà vải là món đồ uống nhiều người yêu thích. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến thắc mắc không biết uống trà chứa băng keo y tế có thể lây nhiễm HIV không?
Nickname Thu Hằng bày tỏ: “Không biết thực hư thế nào, nhưng đọc bài chia sẻ mà cảm giác sợ hãi quá. Nếu là mình, mình cũng sẽ đi xét nghiệm nhưng vẫn lo nơm nớp”. Trong khi đó, nickname Nguyễn Thuỷ cho rằng: “Thật sự đọc bài chia sẻ của N. mà thấy lo lo, tại sao lại có băng keo y tế ở cốc nước được? Tôi không biết thực hư thế nào, nhưng nếu quả thật phơi nhiễm HIV thì thật khiến người ta lo lắng. Tôi vẫn chờ đợi một lời giải thích khoa học từ các bác sĩ, những người có chuyên môn để tránh gây hoang mang, xôn xao dư luận”.
Bác sĩ nói gì?
Trước thông tin gây xôn xao dư luận, trao đổi với PV báo ĐS&PL, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội, bệnh viện 09 (Hà Nội) cho hay, HIV không lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Có nghĩa, nếu uống nước có miếng băng keo dính máu nhiễm HIV cũng không thể bị HIV như nhân vật trên lo ngại.
Bác sĩ Hưng khẳng định: “Ngay cả việc người uống đang bị nhiệt miệng, lở loét hay tổn thương vùng miệng thì tình trạng lây nhiễm cũng không thể xảy ra. Nếu uống trà, nước sẽ trôi thẳng vào dạ dày. Phần còn lại là virus HIV chỉ có thể lây nhiễm qua con đường vết thương hở, với nồng độ thích hợp”.
Nói về nguy cơ lây nhiễm HIV, bác sĩ Hưng cho hay: “Việc lây nhiễm HIV hiện nay chỉ thông qua 3 con đường đó là: Đường máu (dùng chung kim tiêm), quan hệ tình dục và truyền từ mẹ sang con. Ngoài ra, do tính đặc thù nên thời gian tồn tại bên ngoài môi trường của virus HIV là rất ngắn. Do vậy, miếng băng keo trong cốc nước trên khó có thể lây nhiễm HIV cho con người”.
Chia sẻ về trường hợp khách uống trà có băng keo y tế, bác sĩ Hưng cho rằng việc điều trị phơi nhiễm là không cần thiết. Từ đó, bác sĩ Hưng khuyến cáo: “Do thuốc điều trị phơi nhiễm có tác dụng phụ, vì thế người dân chỉ nên sử dụng theo chỉ định của các chuyên gia”. Theo các bác sĩ, những con đường không lây nhiễm HIV gồm: Muỗi đốt bởi virus HIV không sống và sinh sản trong cơ thể muỗi. Hôn vì các chất dịch trong cơ thể như nước bọt của người nhiễm HIV chỉ có một lượng virus rất nhỏ, không đủ để phá hủy cơ thể người. Virus HIV chỉ lây truyền qua đường máu vì vậy các tiếp xúc như cùng uống, mặc chung quần áo, hắt hơi, bơi chung bể bơi, dùng chung nhà vệ sinh... đều không bị nhiễm HIV.
Theo Thanh Lam/ĐSPL

>> xem thêm

Bình luận(0)