Một công ty chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại nhiều bang của Mỹ ngày 23/3 thông báo một bệnh nhân của họ đã tử vong và người vợ đang trong tình trạng nguy kịch, sau khi hai vợ chồng được cho là đã uống thuốc sốt rét dự phòng Covid-19.
Thông tin cho biết, người đàn ông tử vong và vợ ông được chăm sóc đặc biệt, sau khi hai vợ chồng, cả hai đều ở độ tuổi 60, đã uống chloroquine phosphate, một thành phần trong thuốc chống sốt rét. Trong vòng 30 phút sau khi uống, cặp vợ chồng này đã trải qua những tác động tức thời và phải nhập viện gần nơi ở.
Thông báo không nêu rõ vợ chồng nạn nhân đã được chẩn đoán mắc hoặc chưa mắc Covid-19 trước khi uống loại thuốc này.
Trước đó, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng mới tiếp nhận trường hợp đầu tiên bị ngộ độc thuốc sốt rét sau khi uống để phòng Covid-19. Bệnh nhân là nam giới, 44 tuổi, vào khoa Cấp cứu bệnh viện huyện ở Hà Nội trong tình trạng nôn nhiều, mờ mắt, suy hô hấp...
|
Bệnh nhân bị ngộ độc thuốc nhập viện. (Ảnh minh họa). |
Trước đó, theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội về tác dụng của thuốc sốt rét dự phòng Covid-19, bệnh nhân đã mua dự trữ ở nhà 100 viên. Sau khi uống 15 viên chloroquine 250mg, bệnh nhân đã phải nhập viện.
Tại đây, bệnh nhân đã được rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, thở máy không xâm nhập kịp thời. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc xác nhận có tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thuốc điều trị sốt rét vì uống để phòng Covid-19. Hiện bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện. Đây là trường hợp đầu tiên ngộ độc thuốc sốt rét được ghi nhận tại Việt Nam.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) khuyến cáo, người dân không nên tự ý mua thuốc sốt rét về uống dự phòng hay điều trị. Biện pháp dự phòng Covid-19 tốt nhất là thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người, bổ sung dinh dưỡng, luyện tập thể thao...
Video "Việt Nam có ca mắc Covid-19 thứ 46 và 47". Nguồn: VTC Now.
Các chuyên gia khuyến cáo, Hydroxychloroquine và chloroquine là thuốc kê đơn và có chỉ định chặt chẽ khi dùng. Tuyệt đối không dùng hydroxychloroquin và chloroquin cho các bệnh nhân có tiền sử bệnh võng mạc; người nhạy cảm với các thành phần của thuốc hoặc đang điều trị các liệu pháp ức chế tủy xương.
Đối với một số bệnh nhân có các bệnh lý khác đi kèm, thầy thuốc buộc phải cân nhắc kỹ lợi ích và nguy cơ khi sử dụng cho những người có bệnh nền như: Suy thận, bệnh gan, bệnh máu, thiếu G6PD, bệnh lý thần kinh cơ, bệnh tâm thần, vảy nến.
Bên cạnh việc điều trị, thuốc có thể gây những bất lợi không mong muốn khi dùng. Ngay cả liều điều trị thông thường vẫn có thể gây rối loạn tiêu hóa nhẹ, chán ăn, nhức đầu.
Nếu dùng liều cao có thể gây rối loạn tiêu hóa nặng hơn, độc với thần kinh và tâm thần như viêm dây thần kinh ngoại biên, rối loạn thính giác, thị giác, tổn thương da, suy tim, suy gan, suy thận, thiếu máu, tan máu...
Các chuyên gia khuyến cáo, việc người dân đổ xô tìm mua thuốc này về dùng khi không có chỉ định của bác sĩ sẽ gây nguy hiểm. Vì, cho đến nay chưa có phương pháp điều trị hiệu quả nào được hoàn toàn công nhận là đặc hiệu với Covid-19.
Bộ Y tế hướng dẫn việc cách ly y tế tại nhà
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế, bao gồm: cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với những người đã tiếp xúc với người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 (đối tượng F2), những người tiếp xúc gián tiếp (đối tượng F3, F4). Thời gian cách ly được quy định là 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Người được cách ly cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân sau đây:
- Thường xuyên đeo khẩu trang; thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng có nắp đậy và mang đi xử lý hàng ngày.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn.
- Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt... Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
- Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ. Việc người dân nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch Covid-19.