Giải pháp tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở
Ngày 16/11/2021 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo triển khai các giải pháp tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở giai đoạn 2 (thí điểm tại các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn).
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Ngày 22/6/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến mục tiêu: "Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân". Đến nay, hơn 1.500 cơ sở y tế đã kết nối tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Tại lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa hồi tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, khám chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thực sự cần thiết, giảm tập trung đông bệnh nhân tại các cơ sở y tế nhất là khi có dịch bệnh, hạn chế chuyển tuyến, giảm quá tải tại bệnh viện tuyến trên.
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. |
“Qua đánh giá của các chuyên gia và các địa phương, việc triển khai phần mềm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở có kết quả bước đầu rất tốt, y tế địa phương đón nhận tích cực, người dân ủng hộ, tham gia có hiệu quả, nhiều bà con dân tộc thiểu số được các bác sĩ tuyến cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ tuyến trên nên rất tin tưởng và lan truyền nhiều người cùng sử dụng dịch vụ này”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đánh giá cao việc triển khai thí điểm giải pháp này trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 và cuộc Cách mạng 4.0, giúp kết nối các cán bộ y tế tại trạm y tế xã với các đồng nghiệp tuyến trên nhằm tăng cường công tác khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở cho người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, bao gồm cả những người dân tộc thiểu số và những người khuyết tật với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bác sĩ Chuyên khoa I Hà Thị Dương, Trưởng Phòng khám đa khoa khu vực Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, chia sẻ: “Đường xá đi lại cũng như địa hình ở đây rất phức tạp, nhiều khi chúng tôi chuyển tuyến rất bất cập vì hệ thống đường xã nó đi lại khó. Từ khi có khám chữa bệnh hỗ trợ từ tuyến trên xuống, tôi thấy rất hữu ích cho đội ngũ bác sĩ tuyến xã chúng tôi. Bây giờ nếu gặp trường hợp cấp cứu khó khăn, nhiều vấn đề chúng tôi không thể biết hết nhưng chỉ cần vào các hệ thống kết nối, chúng tôi đã được tuyến trên hỗ trợ và giúp được bệnh nhân ngay lập tức”.
Giải pháp tư vấn, khám chữa bệnh từ xa hoạt động thế nào?
|
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam. |
Theo ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, trên cơ sở những thành công bước đầu, UNDP tại Việt Nam đề xuất với Bộ Y tế tiếp tục triển khai giai đoạn 2 nhằm mở rộng hoạt động triển khai ứng dụng và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trên toàn bộ 3 tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn đến tháng 06/2021...
UNDP vừa trao tặng nền tảng ứng dụng “Bác sĩ cho mọi nhà” và 02 máy chủ cho Bộ Y tế để thực hiện và quản lý thông tin chương trình tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa nâng cao năng lực y tế cơ sở.
|
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tiếp nhận phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” và 02 máy chủ từ UNDP trao tặng Bộ Y tế. |
Giải pháp tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở “bác sĩ cho mọi nhà” được phát triển dựa trên nền tảng web và ứng dụng trên điện thoại thông minh, bao gồm kết nối qua các cuộc gọi có hình giữa:
i) cán bộ y tế tại trạm y tế xã với người dân nhằm phổ biến các thông tin y tế và cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa;
ii) cho phép cán bộ y tế tại trạm y tế xã có thể nhận sự trợ giúp về chuyên môn từ các đồng nghiệp ở tuyến trên.
Giải pháp được triển khai thí điểm tại 3 huyện thuộc 3 tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn là Hoàng Su Phì - Hà Giang, Cao Lộc - Lạng Sơn và Ba Bể - Bắc Cạn. Kết quả bước đầu cho thấy các lợi ích rõ rệt trong việc tăng cường tiếp cận của người dân với các thông tin y tế, các dịch vụ chẩn đoán và điều trị có chất lượng tốt hơn. Giải pháp giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, đặc biệt là ở những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng thời hỗ trợ trao đổi thông tin liên lạc, hội chẩn và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa trong đại dịch COVID-19, và giúp giảm tải cho các cơ sở y tế ở tuyến trên.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu:
1. Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế làm đầu mối phối hợp với UNDP và 3 Sở Y tế Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nhân lực, thời gian, tổ chức tập huấn triển khai khẩn trương phần mềm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở.
2. Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế làm đầu mối, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và các cơ quan Bảo hiểm xã hội để đề xuất việc chi trả BHYT cho dịch vụ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở và chi trả BHYT đối với đơn thuốc do các bác sĩ tuyến y tế cơ sở chỉ định theo tư vấn của Bác sỹ tuyến trên.
3. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tiếp tục làm việc với Cục Công nghệ thông tin, bố trí nguồn lực, thời gian để triển khai khẩn trương phần mềm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở có hiệu quả ở 3 tỉnh, làm cơ sở để nhân rộng cả nước.
4. Các Sở Y tế Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn kết hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin và UNDP để triển khai phần mềm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở trên toàn tỉnh, nhằm giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng hơn.