Có nhiều gia đình vì mục đích nâng cao kinh tế mà lựa chọn giải pháp "mỗi người một nơi" trong khoảng thời gian nhất định. Họ chấp nhận đánh đổi, với hi vọng sớm có ngày gom góp đủ tiền, tự kinh doanh hoặc làm điều gì đó để tương lai rộng mở hơn.
Tất nhiên, vì là đánh đổi nên phải chấp nhận những rủi ro, khó khăn, coi nó như động lực thường ngày. Người ta hay thương xót cho những anh chồng xa nhà, làm lụng vất vả nhưng thực ra cả những cô vợ ở nhà, ở hậu phương cũng cần được quan tâm, trân trọng.
Vì sao lại như thế ư? Hãy cùng lắng nghe câu chuyện của G. dưới đây và bạn sẽ hiểu ra ngay.
Trở về nhà sau 2 năm đi làm xa nhà, chồng bất ngờ chuyển hết tiền tiết kiệm cho anh trai
Sau khi kết hôn, G. và chồng đối diện với khá nhiều khó khăn về mặt kinh tế song họ cũng rất dồi dào năng lượng phấn đấu. Nếu ngày đó, hai vợ chồng làm việc ở quê thì chắc chắn cũng chẳng thể khá khẩm nổi, vậy nên càng cần phải bứt phá, vượt ra ngoài "vùng an toàn".
Cuối cùng, sau nhiều đêm cân nhắc, hỏi ý kiến của mọi người, chồng của G. quyết định ra nước ngoài xuất khẩu lao động trong vòng 2 năm.
"Từ ngày anh đi, mình cũng phát hiện bản thân mang thai. Dù nhiều đêm trải qua cảnh cô đơn lẻ bóng, song mình cũng dần dần vượt qua được, lấy em bé trong bụng làm động lực để cố gắng.
Hàng tháng, chồng sẽ gửi cho hai mẹ con một khoản sinh hoạt, còn phần tiết kiệm là anh ấy cầm hết. Cũng may mình về bên ngoại, được bố mẹ chăm sóc tận tình nên không thiếu thốn gì cả. Song có vài lần tủi thân, mình chỉ khóc trong đêm chứ không than vãn với chồng, sợ anh nhụt chí" - G. tâm sự.
2 năm ròng rã cũng trôi qua, đã đến ngày chồng của G. trở về. Nghe anh tâm sự qua điện thoại, vì chăm chỉ làm việc, tiết kiệm, chồng của G. để dành ra được gần 200 triệu.
Đây là số tiền lớn đối với hai vợ chồng, đủ để họ lập nghiệp ở quê nhà. Tuy nhiên, khi trở về nhà, chồng của G. dường như biến thành con người khác, chẳng giống với anh của những ngày mới kết hôn.
Đặc biệt, chồng của G. còn quyết định gửi hết 200 triệu đồng cho anh trai. Bản thân G. không ngăn cản được ông xã, cô thấy rất bất bình vì chẳng hiểu hành động đó có ý nghĩa gì.
Ngược lại, chồng G. chỉ giải thích, anh thấy để anh trai giữ thì an tâm hơn vì anh ấy tính cẩn thận, còn đưa cho vợ thì chỉ còn nước "tiêu hết trong chóng vánh". Rõ ràng, chồng của G. không hề tin vợ, luôn cho rằng cô ăn xài hoang phí, không tiết kiệm.
Trước sự vô lý của chồng, G. lập tức phải đáp trả thẳng thắn.
Phản ứng khôn khéo của cô vợ
Chồng của G. không hề biết rằng, sau khi sinh con, vợ bị đau dạ dày, cũng chẳng ăn uống được nhiều, người cứ gầy nhom. Số tiền anh gửi về nhà hàng tháng, cô cũng chi tiêu chặt chẽ, cẩn thận, thậm chí cô còn làm vài việc thời vụ để kiếm thêm. Chẳng mấy khi G. tiêu hết số tiền chồng gửi về.
Nay anh về nước, lại tỏ thói nghi ngờ, không tin tưởng, G. đưa 30 triệu tiền để dành được cho chồng. Cô cũng không ngần ngại nói thẳng thừng: "Đây, 30 triệu là em tiết kiệm được trong 2 năm, nếu anh muốn giữ và gửi cho anh trai anh thì cứ việc.
Em đau bụng đến không ăn uống được gì, nhưng câm nín chẳng than một câu, chỉ vì lo lắng anh sốt ruột. Nếu anh đã có dự định riêng, hãy tự làm theo ý mình. Mẹ con em về nhà ngoại, có rau ăn rau có cháo ăn cháo. Bố mẹ cũng chẳng để em chết đói ngày nào".
Cầm số tiền 30 triệu vợ đưa trên tay, chồng của G. cực kỳ hối hận, anh cảm thấy bản thân đã quá vô tâm, chỉ nghĩ về sự vất vả của mình mà không mảy may tới sự hi sinh của vợ.
Tuy nhiên, mặc chồng xin lỗi, G. vẫn quyết tâm về ngoại một thời gian, để người đàn ông bình tâm, suy nghĩ lại lỗi lầm của mình.
Trong hôn nhân, nếu hai người không có tiếng nói chung sẽ rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Điều quan trọng là chị em phụ nữ nên tỉnh táo, đừng đánh mất bản thân hay những gì chúng ta xứng đáng nhận được. Đặc biệt là lòng tin và sự tôn trọng của đối phương.