SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng các cơ quan khác nhau của cơ thể dẫn đến các triệu chứng khác nhau. Nhiều vấn đề có thể kéo dài hoặc xuất hiện lần đầu sau khi khỏi Covid-19, thậm chí làm trầm trọng thêm các triệu chứng của tình trạng sức khỏe đã có từ trước.
Theo India Times, các nhà khoa học nhận thấy một số bệnh nhân Covid-19 phát triển bệnh tiểu đường không lâu sau khi nhiễm virus và khỏi bệnh. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy Covid-19 có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu.
Nguyên nhân
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Massachusetts, Mỹ, mức độ căng thẳng cao trong quá trình nhiễm SARS-CoV-2 có thể là lý do gia tăng các trường hợp mắc bệnh tiểu đường hậu Covid-19. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng được chẩn đoán sau khi nhiễm trùng có thể là tạm thời, thay vì vĩnh viễn.
Điều đó có nghĩa là thay vì trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường, SARS-CoV-2 có thể đẩy người bệnh sang giai đoạn tiền tiểu đường hoặc làm bùng phát các triệu chứng của bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán trước đó. Lượng đường trong máu cao sau khi bị nhiễm virus có thể là tình trạng tạm thời do căng thẳng cấp tính gây ra.
Dựa trên đánh giá chi tiết, các nhà nghiên cứu nhận định lượng đường huyết đột ngột tăng cao ở những bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục, sau đó sẽ trở lại bình thường sau một vài tuần.
Lượng đường huyết chỉ duy trì ở mức cao trong thời gian ngắn, vì vậy, tình trạng này được coi là tạm thời. Nhưng ngay cả trong thời gian ngắn này, bệnh nhân vẫn có thể cần insulin hoặc thuốc điều trị đường huyết.
|
Bệnh nhân Covid-19 sau khi khỏi bệnh có thể phát triển các triệu chứng tiểu đường nhưng là tạm thời. Ảnh: Hindustantimes.
|
Dấu hiệu bệnh tiểu đường hậu Covid-19
Theo Hiệp hội Tiểu đường Anh quốc, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu loại bệnh tiểu đường do Covid-19 gây ra. Cả người lớn và thanh thiếu niên đều được chẩn đoán có lượng đường trong máu tương đối cao, vì vậy, các nhà nghiên cứu không chắc chắn khẳng định đó là tiểu đường type I hay II.
Thông thường, bệnh tiểu đường type I gây ra do một số yếu tố như môi trường và di truyền, phức tạp hơn nhiều so với nguyên nhân của type II. Vì vậy, khả năng SARS-CoV-2 dẫn đến bệnh tiểu đường type I là khá nhỏ.
Trong khi đó, thay đổi lối sống do đại dịch và ảnh hưởng của SARS-CoV-2 lên cơ thể có thể dẫn đến tiểu đường type II. Tuy nhiên, điều này không thể khẳng định được điều gì vì tiểu đường type II là tình trạng kéo dài suốt đời, một khi được chẩn đoán, bệnh nhân cần phải dùng thuốc và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa khác mãi mãi.
Trong khi đó, bệnh tiểu đường gây ra sau khi nhiễm SARS-CoV-2 là tạm thời và nó được nghi ngờ là loại bệnh tiểu đường mới. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho biết vẫn cần thêm bằng chứng để hiểu rõ hơn về tình trạng này.
Các triệu chứng của tiểu đường hậu Covid-19 tương tự type I và II. Một số dấu hiệu phổ biến bao gồm: Cảm thấy khát, mệt mỏi, ăn mất ngon, sụt cân, đi tiểu thường xuyên, ngứa cơ quan sinh dục, nhìn mờ.
Nếu gần đây bạn đã khỏi bệnh do SARS-CoV-2 và gặp phải bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để loại trừ khả năng mắc bệnh tiểu đường do Covid-19 gây ra.