Mới đây, các nhà khoa học đã tìm thấy một số bằng chứng, chứng minh trẻ em sinh ra trong những tháng có nhiều ánh nắng, tỷ lệ mắc bệnh celiac- bệnh nhạy cảm với gluten hoặc bệnh không dung nạp gluten (Bệnh dị ứng này ảnh hưởng chủ yếu ở ruột non, nơi chứa thức ăn sau khi rời dạ dày) tăng khoảng 10%.
Các nghiên cứu của Thụy Điển công bố trên tạp chí BMJ Archives cho thấy, với gần 2 triệu trẻ em được sinh ra giữa năm 1991 và 2009 thì có khoảng 6569 bé được chẩn đoán mắc bệnh celiac trước tuổi 15. Trẻ em sinh ra giữa tháng 3 và tháng 11 có tỷ lệ mắc bệnh celiac cao hơn 10% so với trẻ sinh ra vào tháng mười hai đến tháng hai.
|
Trẻ em sinh ra vào mùa xuân và mùa hè có tỷ lệ mắc bệnh celiac (một trong những bệnh đường ruột) cao hơn 10% so với trẻ sinh ra vào mùa thu, đông. |
Ở những nước có ánh sáng mặt trời chói chang như miền nam Thụy Điển thì tỷ lệ mắc bệnh còn cao hơn. Cùng với đó, nguy cơ mắc bệnh celiac của các bé gái sẽ cao hơn bé trai.
Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh celiac ở mức 1/100, khi không dung nạp gluten người bệnh sẽ có các triệu chứng như đầy hơi, buồn nôn, ảnh hưởng xấu đến đường ruột.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, trẻ sơ sinh sinh vào mùa hè có nguy cơ cao bị nhiễm virus gây ra căn bệnh này, cùng với đó họ cũng nghi ngờ vitamin D có thể là một trong những nguyên nhân chính làm trẻ bị bệnh. Mà vitamin D sản sinh trực tiếp qua quá trình tiếp xúc của da với ánh nắng mặt trời, chúng vô cùng quan trọng cho sự phát triển xương ở trẻ nhỏ.
Những phụ nữ sinh con vào mùa xuân thì ba tháng cuối cùng trong thời kỳ mang thai sẽ rơi vào mùa đông, ít có khả năng được nhận đủ vitamin D. Nếu hàm lượng vitamin D trong cơ thể thấp có thể bị các bệnh liên quan như: bệnh đa xơ cứng, bệnh viêm ruột, và bệnh tiểu đường loại 1.
Tuy nhiên, một số tác giả của cuộc nghiên cứu cũng cho biết, họ vẫn chưa có kết luận chắc chắn về nguyên nhân và hậu quả được rút ra từ những lập luận trên.