Đến viện sau 72 giờ, trẻ có nguy cơ hoại tử ruột
Đang đi làm, chị Hoa (Hoàn Kiếm – Hà Nội) tất tưởi xin nghỉ giữa chừng vì cô giáo của con gọi điện báo bé Nam, con trai chị bị đau bụng. Đến lớp đón con, chị Hoa lại thấy con tươi cười chạy nhảy với bạn trong lớp như bình thường. Vậy là chị Hoa lại quay lại nơi làm việc.
Đến tối, khi đang rửa bát, chị Hoa lại thấy con kêu đau bụng, chị Hoa lấy dầu gió xoa vào quanh rốn của con một lúc lại thấy bé Nam hết đau, hớn hở chơi đồ hàng với chị. Tuy nhiên, sự việc lại lặp lại ngày hôm sau với số lần bé Nam kêu đau bụng tăng dần. Đưa con vào viện khám, chị Hoa mới hốt hoảng khi bác sỹ kết luận bé Nam bị lồng ruột và phải nhập viện ngay để tháo lồng.
|
Cha mẹ đừng chủ quan khi trẻ kêu đau bụng. Ảnh minh họa. |
Tương tự, chị Giang, mẹ bé Tin (Hải Phòng) cũng cho biết bé Tin bị lồng ruột, vừa được bác sĩ tháo lồng. Trước đó, bé Tin thi thoảng kêu đau bụng nhưng mẹ chỉ xoa bụng một lúc là lại hết đau. Vì vậy chị cũng chủ quan, không để ý lắm đến sức khỏe của con. Sang ngày thứ hai, bé kêu đau bụng nhiều hơn nhưng vẫn chạy nhảy khi không đau.
Tuy nhiên, do thấy số lượng lần kêu đau của con tăng lên nên chị Giang lo lắng đưa con đi viện khám và được tháo lồng kịp thời bằng phương pháp áp lực hơi, tức là bơm hơi vào cơ thể dưới dưới sự hướng dẫn của máy soi X – quang tại chổ, bác sĩ sẽ bơm hơi vào ruột già với một áp lực vừa phải cho đến khi khối ruột lồng được tháo ra hoàn toàn. Thao tác này bác sĩ chỉ làm trong vòng vài phút và chỉ sau vài tiếng điều trị, nếu trẻ không kêu đau bụng, không sốt, không bị nôn ói thì có thể xuất viện và không cần phải kiêng cữ gì.
Tuy nhiên, nếu trẻ bị lồng ruột mà cha mẹ đưa đến viện quá muộn (sau 72 giờ) thì bắt buộc phải phẫu thuật vì ruột đã bị hoại tử.
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, lồng ruột là một bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến đường ruột, gồm ruột non và ruột già. Đây là hiện tượng một đoạn ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng của đoạn ruột phía dưới (hoặc ngược lại), làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Khi các đoạn ruột lồng vào nhau, các mạch máu cũng bị cuốn vào theo. Hậu quả là các mạch máu ruột bị tổn thương, gây chảy máu. Nếu không được điều trị kịp thời thì đoạn ruột bị lồng sẽ bị hoại tử, dẫn tới thủng ruột và viêm màng bụng.
Những dấu hiệu nguy hiểm
Với những trẻ đã biết nói, cha mẹ có thể dễ dàng đoán bệnh thông qua việc kêu đau bụng ở trẻ, Tuy nhiên với những trẻ còn bú mẹ, cha mẹ rất khó phân biệt trẻ khóc bình thường với khóc do bị lồng ruột.
Vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi thấy trẻ đột ngột có những biểu hiện dưới đây và đưa trẻ đến viện kịp thời:
Giai đoạn đầu của bệnh:
• Trẻ khó chịu do co thắt dạ dày
• Khóc thét đột ngột, co gối lên ngực do đau bụng từng cơn, tái phát nhiều lần
• Bỏ bú
• Nôn ói nhiều lần
• Xanh xao, vã mồ hôi
Giai đoạn ruột bị nghẹt nghiêm trọng hơn:
• Đi tiêu phân nhầy, máu
• Thỉnh thoảng cảm thấy một khối u nhô lên ở vùng dạ dày
• Mệt lả
• Tiêu chảy
• Sốt
• Mất nước
Giai đoạn muộn, ruột bắt đầu bị hoại tử:
• Nôn liên tục
• Chướng bụng
• Da lạnh, nhợt nhạt
• Mạch nhanh, nông
• Thở nhanh nông