Ở trẻ em, có lẽ không mấy phụ huynh đưa trẻ đi khảo sát sức khoẻ định kỳ, nhất là khi triệu chứng tổn thương khối u ở trẻ nhỏ hầu như rất ít hoặc không có. Tuy nhiên, BS Trần Quốc Khánh, phẫu thuật viên khoa phẫu thuật cột sống- Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã viết ra một số lưu ý sau đây, khuyến cáo cha mẹ đưa con đi khám chuyên khoa khi có nghi ngờ.
|
Ảnh minh họa |
- Ở trẻ em, có ba nhóm khối u hay gặp bao gồm nhóm bệnh lý của tế bào máu (ung thư bạch cầu), các khối u thận- u xương và nhóm thứ ba chính là các khối u não. Về nguyên nhân, ung thư ở trẻ em bắt nguồn chủ yếu từ gene, ở đó lối sống và yếu tố gia đình từ cha mẹ đóng vai trò không nhỏ (ví dụ tiền sử cha mẹ hút thuốc lá, lạm dụng các loại thuốc tây, tiếp xúc hoá chất, không kiểm soát vấn đề ăn uống, nhiễm virus…)
- Ung thư ở trẻ em thường có tỷ lệ điều trị thành công tương đối cao, trên dưới 70%. Có những thể ung thư tỷ lệ điều trị khỏi lên đến 90% nếu phát hiện sớm.
- Với bất kỳ loại ung thư nào thì việc phát hiện sớm ung thư luôn đóng vai trò then chốt. Ở đó, cha mẹ để ý sớm những dấu hiệu bất thường của trẻ là yếu tố vô cùng quan trọng vì ở trẻ nhỏ ít ai chủ động đưa các cháu đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Những lựa chọn như siêu âm ổ bụng đánh giá tổng thể là điều cần thiết vì siêu âm không độc hại, rẻ tiền, nhiều cơ sở làm được.
Ngoài góp phần giúp phát hiện các khối u cục, siêu âm còn giúp chúng ta khảo sát cơ bản các cơ quan trong bụng trẻ xem có bất thường hay dị tật gì không (một thận duy nhất, đảo ngược phủ tạng, bất thường hệ tiết niệu…). Còn việc chụp xquang các xương dài, chụp cắt lớp/cộng hưởng từ sọ não, xét nghiệm huyết tuỷ đồ…là vấn đề vô cùng “nhạy cảm”, chúng ta không thể lạm dụng khảo sát tràn lan. Theo bác sĩ Khánh, phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sỹ chuyên khoa nhi sâu (huyết học, thần kinh..) khi cần thiết hoặc khi trẻ có dấu hiệu gì bất thường.
- Phụ huynh cần hết sức lưu ý, khi trẻ có một trong những dấu hiệu dưới đây, nên cho trẻ đi khám sớm:
• Giảm cân nhanh trong thời gian ngắn, có dấu hiệu xanh xao, thiếu máu.
• Dễ bầm tím, chảy máu khó cầm mỗi lúc tai nạn, va chạm.
• Trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân.
• Sưng đau các hạch.
• Đau nhức ở một đầu xương nào đó khi về đêm gần sáng hoặc lúc vận động nhiều.
• Có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của vùng đầu như trẻ hay kêu đau đầu, trẻ hay trớ, trẻ có thói quen nghiêng đầu sang 1 bên, trẻ đi-chạy với dáng điệu khác thường…
• Trẻ đái nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc trẻ hay kêu đau bụng.