Tràn dịch màng phổi vì nhiễm 4 loại giun sán

Google News

(Kiến Thức) - Có những bệnh nhân đi cấp cứu vì tràn dịch màng tim, màng phổi, kết quả xét nghiệm lại do sán lá gan lớn (SLGL).

Có những bệnh nhân đi cấp cứu vì tràn dịch màng tim, màng phổi, kết quả xét nghiệm lại do sán lá gan lớn (SLGL). Bệnh xuất hiện là do  ăn uống các thực phẩm nhiễm bệnh.
Mang trong mình 4 loại giun sán
Ông Hoàng Văn M. (65 tuổi ở Sốp Cốp, Sơn La) bị ho nhiều năm, thỉnh thoảng sốt, tức ngực được chuyển từ bệnh viện tỉnh xuống Bệnh viện Lao và Bệnh phổi T.Ư do tràn dịch màng phổi. Chọc dịch soi phát hiện trong dịch có trứng sán lá phổi (SLP). Kết quả xét nghiệm ký sinh trùng, bệnh nhân dương tính với SLGL, SLP, giun đũa chó và giun lươn.
Cháu Phàng Thị Ch. (4 tuổi ở Phù Yên, Sơn La) được chuyển cấp cứu xuống Bệnh viện Nhi T.Ư do khó thở, ho ra máu, nôn liên tục. Siêu âm tim phát hiện tràn dịch màng tim mức độ nặng, dẫn tới chèn ép tim, gây khó thở. Chọc hút dịch màng tim thấy có màu vàng, lẫn nhiều sợi trắng và mảnh. Kết quả xét nghiệm dương tính với SLGL và giun đũa chó. Nguyên nhân do 2 tuần trước đó người nhà có cho cháu ăn nhiều thứ như rau, thịt bò tái và cua nướng. Một tuần sau trẻ xuất hiện sốt, đau đầu, ho ra máu, đau bụng và chướng bụng. 
Tran dich mang phoi vi nhiem 4 loai giun san
Tư vấn cho bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng. 
GS.TS Nguyễn Văn Đề, giảng viên trường Đại học Y Hà Nội, người xét nghiệm ký sinh trùng cho các bệnh nhân trên cho biết, SLGL Fasciola thường ký sinh trong đường mật và phá hủy tổ chức gan tạo nên những khối u hay ổ áp xe làm xung huyết gan, ống mật dầy lên biến dạng gây viêm và xơ hóa. Người ta cũng gặp SLGL ký sinh lạc chỗ như ở đại tràng, tuyến vú, khớp gối, buồng trứng, tinh hoàn... và gần đây xuất hiện nhiều bệnh nhân bị SLGL gây tràn dịch màng phổi, màng tim, thậm chí có trường hợp gây u ở phổi gây nhầm ung thư phổi...
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, SLGL có thể tồn tại ở người từ 9 - 13,5 năm mà có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau hoặc không có triệu chứng gì. Người bệnh đi khám sức khoẻ tình cờ phát hiện khối u trong gan hoặc xét nghiệm ký sinh trùng dương tính với SLGL. Đặc biệt, có những trường hợp bệnh gây nên những triệu chứng cấp tính rầm rộ như sốt, đau hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị nên dễ nhầm với các bệnh về gan mật hoặc dạ dày. Người bệnh mệt mỏi, kém ăn, rối loạn tiêu hóa, xét nghiệm máu bạch cầu ái toan tăng, siêu âm phát hiện thấy các tổn thương về gan hoặc có trường hợp chỉ mẩn ngứa, nổi mề đay hay ho kéo dài... Hậu quả bệnh có thể dẫn tới tử vong do vỡ bao gan, xuất huyết hoặc sốc nhiễm trùng do viêm phúc mạc...
Các loại thực phẩm có tỷ lệ nhiễm SLGL cao 
GS.TS Nguyễn Văn Đề cho hay, SLGL trưởng thành có hình giống chiếc lá, thân dẹt và bờ mỏng, có kích thước 2 - 3 x 1cm, màu trắng hồng hoặc xám đỏ. Bệnh SLGL ngày càng nhiều, đến nay đã phát hiện 52 tỉnh, thành có người bị nhiễm bệnh do không tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm như ăn sống rau thủy sinh hoặc đồ đựng rau có ấu trùng sán hay nội tạng động vật nhiễm sán chưa được nấu chín hay uống nước lã... 
Trung gian truyền bệnh SLGL là ốc. Đáng báo động là tỷ lệ nhiễm SLGL trong trâu bò rất lớn và phổ biến. Theo kết quả điều tra tại một số tỉnh phía Bắc, bò nhiễm SLGL là 54 - 70%, trâu là 34 - 64%. Tại 11 tỉnh phía Nam, trâu nhiễm 22%. Tại lò mổ ở Hà Nội bò nhiễm 62% và 5 tỉnh khu vực quanh Hà Nội bò nhiễm 30%... Phân trâu bò và các động vật ăn cỏ khác là nguồn lây quan trọng làm ô nhiễm các loài rau thủy sinh mà con ngưởi sử dụng làm thức ăn hằng ngày.
Thúy Nga

Bình luận(0)