Kết thúc phiên xử cuối cùng của vụ án ly hôn giữa anh Trương Văn Bình (41 tuổi) và chị Nguyễn Thùy Nga (37 tuổi) ở Tòa án nhân dân Q.Ba Đình (Hà Nội), cả Hội đồng xét xử lúc này đã thở phào với vụ án ly hôn kiểu “mèo vờn chuột” kéo dài suốt 2 năm.
Chị Nga là nhân viên văn phòng. Chị không đẹp lộng lẫy, nhưng nét dịu dàng, thùy mị của cô gái gốc Hà thành dễ gây thiện cảm. Khi mới lấy nhau (năm 2003), anh Bình chỉ là lái xe ở một công ty tư nhân. Nhờ sự ngoại giao khéo léo của vợ, anh Bình dần mở được công ty về vận tải và trở thành giám đốc.
|
Ảnh minh họa. |
Nhờ có mối quan hệ rộng từ vợ, công ty anh Bình cũng dần ăn nên làm ra. Từ giám đốc công ty con, anh Bình trở thành tổng giám đốc, phụ trách 4 công ty con. Từ ngày công ty làm ăn lớn, anh Bình cũng bận rộn nhiều hơn.
2 con học hành, ốm đau thế nào đều do vợ lo trọn vẹn. Gánh nặng gia đình ông bà nội già yếu, bệnh nặng vì tai biến cho đến tang ma, giỗ chạp cho bố chồng cũng chủ yếu do chị Nga lo liệu hết.
Một ngày tin sét đánh đến với chị, chồng chị có nhân tình. Chị sốc nặng, suy sụp tinh thần. Anh chối bay, chối biến chuyện có bồ. Chị đành tìm đến Thám tử tư nhờ theo dõi chồng, để giải tỏa mối nghi ngờ.
Kết quả chẳng khó khăn, anh sống với cô nhân tình trẻ hơn chị chục tuổi, trong căn chung cư khá đẹp ở huyện ngoại thành. Chứng cứ rành rành, anh không chối cãi. Anh nói: “Cô ấy rất hiểu anh, mong em và con tha thứ”. Chị hỏi: “Vậy giờ anh muốn thế nào”? - “Anh không thể trở về với em được, không thể sống thiếu cô ấy?”
Ngày hẹn ra tòa cũng nhanh chóng đến. Thẩm phán nhắc đến chuyện chia tài sản chung của vợ chồng. Chị cũng không để ý, chỉ khi nhìn vào bảng kê ra để chia cho chị, tất cả tổng cộng 700 triệu đồng. Ngay căn nhà vợ chồng ở, anh cũng đòi tòa định giá chia đôi.
Anh lạnh lùng: “Tài sản chỉ có thế thôi. Tôi làm ăn thất thoát hết rồi”. Chị nóng ran mặt: “Vậy tôi không đồng ý ly hôn. Nếu anh không kê đầy đủ tài sản và công khai các tài khoản anh có. Thứ 2, anh đã sống với nhân tình, tôi không đồng ý con nào ở với anh, tôi nhận nuôi cả 2 con, để con tôi không phải sống với mẹ ghẻ”.
Chị về nhà, gửi con ở bà ngoại một thời gian, chị nói phải đi công tác nước ngoài. Chị cũng xin nghỉ phép cơ quan 1 tháng vì việc gia đình. Chị đến nhà người quen ở ngoại thành ở, sau đó chị lại thuê nhà sang quận kế bên ở tiếp. Cứ thế, chị chuyển nhà 5 lần trong 1 năm. Giấy gọi của tòa án không thể nào đến tay người nhận.
Anh chồng thuê người tìm chị. Sau hơn 1 năm lần theo dấu vết của chị để làm thủ tục ly hôn, anh ta buộc phải điện thoại bằng sim lạ, chấp nhận mọi yêu cầu của chị, chỉ cần chị đồng ý ly hôn. Chị quay về căn nhà cũ. Vụ án phải khởi động lại lần nữa. Anh đồng ý để chị nuôi 2 con theo nguyện vọng.
Số tài sản kê ra chia cho chị lúc này là 18 tỷ đồng. Căn nhà cũ, anh không đòi chia nữa, mà đồng ý để cho 3 mẹ con ở.
Chị đề nghị tòa án về tận nhà chị để định giá nốt một số tài sản còn lại trong ngôi nhà của mình: “Căn nhà anh ta để lại cho 2 con, nhưng đồ đạc trong nhà là tài sản chung, tôi phải trả lại cho anh ta một nửa”. Anh toát mồ hôi khi nhìn thấy 2 anh thợ vác cái cưa gỗ rất to đứng ở cửa.
Trước sự chứng kiến của cán bộ tòa và Viện kiểm sát, chị lôi hết quần áo cũ, giày dép của anh ở 3 cái tủ đứng, 3 giường ngủ, tủ bếp, tủ lạnh, điều hòa, đồ đạc ngổn ngang, bừa bãi khắp nhà.
Chị vẫy tay cho 2 cậu thợ vào cưa ngang cái tủ đựng quần áo của vợ chồng, thợ cưa đến cái tủ đứng thứ 2 ở phòng khách, anh vội vã quỳ xuống: “Thôi tôi xin cô, giờ cô cần gì cứ nói, đừng làm thế này nữa”. Chị vẫn lạnh lùng cho thợ cưa tiếp tủ giày dép.
Từng đôi giày, dép cũ chị sắm cho anh đều chia mỗi bên 1 chiếc, kể cả giày của chị, của anh. Chị cắt đôi quần của anh mỗi bên một ống quần, mỗi bên một nửa thân áo, khăn quàng...
Chị cho thợ lật giường của vợ chồng, cưa đôi đệm, chăn và giường... Trước con mắt kinh ngạc của cán bộ toà án, anh run rẩy, quỳ xuống trước chị dập đầu lạy liên tục, mồm lắp bắp: “Tôi xin cô lần nữa, hãy tha cho tôi, cô muốn gì tôi làm hết”.
Mặt anh ta tái mét, lúi húi tìm túi nylon, nhặt từng chiếc giày, dép cũ, quần, áo, khăn quàng... đều chỉ còn 1 chiếc, 1 nửa... định ra về. Chị nói: “Cái gì tôi đã chia, mong anh nhận giúp ngay bây giờ, nếu không tôi cho chở đến văn phòng của anh hết.
"Cái xe ô tô kia, anh định lấy phần nào?" - “Thôi, xe thì... cô cứ giữ lấy, không cần chia nữa”. Nói rồi, anh bốc máy điện thoại gọi xe dọn nhà đến bốc hàng. Nửa chiếc giường, nửa cái tủ, nửa cái đệm, nửa cái chăn... lần lượt được mang ra xe.
Anh ta lếch thếch trèo lên phía sau thùng xe chở thứ đồ nát bươm rời khỏi ngõ. Khuôn mặt chị lúc này mới dịu lại, những giọt nước mắt đau xót lại rơi.
Trong cơn đau khổ tột cùng, chị đã đấu tranh để đòi lại công bằng khi niềm tin bị người chồng đánh cắp. Bài học đắt giá cho người chồng bội bạc, nhưng cũng là vụ án ấn tượng nhất mà những vị cán bộ toà án phải lắc đầu, nể phục bởi bản lĩnh của người phụ nữ rất đỗi hiền lành này.