Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, thời gian vừa qua, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên các trang mạng: zawa.chinhhang.info, zawavietnam.com, zawachinhhang.com, zawa-chinhhang.vn, zawa.com.vn đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa vi phạm qui định của pháp luật về quảng cáo.
|
Nội dung quảng cáo TPBVSK Zawa được Cục ATTP xác nhận |
Các lỗi vi phạm cụ thể như sau: Quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định (Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 1216/2020/ATTP-XNQC ngày 30/3/2020 do Cục An toàn thực phẩm xác nhận); Quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Liệt kê công dụng từng thành phần của sản phẩm.
|
Quảng cáo TPBVSK Zawa liệt kê công dụng từng thành phần sản phẩm.
|
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty Cổ phần dược phẩm LOCIFA (địa chỉ: P204 tầng 2 số 86 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm khẳng định nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa đang được quảng cáo vi phạm trên các website nêu trên không đúng với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận.
Trên thực tế, ngoài các lỗi vi phạm quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, liệt kê công dụng từng thành phần của sản phẩm, các nội dung quảng cáo của nhãn hàng này trên một số website còn sử dụng hình ảnh, video clip bác sĩ (Giám đốc Bệnh viện Nam học Nguyễn Khắc Lợi), người nổi tiếng (ca sĩ Tuấn Hưng, diễn viên Việt Anh) để quảng cáo, tư vấn sử dụng sản phẩm.
Mời quý độc giả theo dõi video clip Giám đốc Bệnh viện Nam học Nguyễn Khắc Lợi khuyên dùng Zawa để "chữa giảm sinh lý, suy giảm tình dục..."
Đối chiếu các văn bản pháp luật, có thể thấy với cách quảng cáo TPBVSK Zawa khiến người bệnh hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, nhãn hàng đã có dấu hiệu vi phạm khoản 3, Điều 3 của Thông tư 08/2013/TT – BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Thông tư này quy định rõ các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm đó là “Quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh”. Theo Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo cũng nêu rõ: Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Trong khi đó, tại Điểm d Khoản 2 Điều 7 Thông tư 09/2015/TT-BYT ngày 25 tháng 05 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế quy định: Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, với việc sử dụng hình ảnh, video clip bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi "khuyến cáo sử dụng Zawa để chữa giảm sinh lý, suy giảm tình dục..." phải chăng nhãn hàng Zawa đang vi phạm nghiêm trọng quy định này?
Mặc dù vậy, qua quá trình hậu kiểm, Công ty Cổ phần dược phẩm LOCIFA không thừa nhận các website nêu trên của Công ty Cổ phần dược phẩm LOCIFA, Công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa trên trang mạng nêu trên.
Việc Công ty Cổ phần dược phẩm LOCIFA "chối bỏ" các nội dung quảng cáo vi phạm đối với nhãn hàng của mình khiến không ít người tiêu dùng bức xúc đặt vấn đề liệu có thể có ai đó khác bỏ tiền làm quảng cáo rầm rộ để chào bán sản phẩm không phải của mình?
"Về mặt pháp lý, Công ty Cổ phần dược phẩm LOCIFA là công ty đứng ra công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm Zawa, thì công ty cũng phải có trách nhiệm với việc quảng bá sản phẩm này trên thị trường. Tôi không tin có doanh nghiệp hay cá nhân nào lại thừa tiền bỏ ra để quảng cáo cho sản phẩm của một doanh nghiệp khác không liên quan. Hoặc giả sản phẩm Zawa được quảng cáo trên các trang mạng vi phạm này là sản phẩm giả, nhái thì công ty cũng không thể biết mà làm lơ, khoanh tay phủi trách nhiệm, mặc kệ cho người khác quảng cáo rầm rộ một cách ngang ngược, đầy sai phạm về sản phẩm của mình???", độc giả Nguyễn Tiến Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Hiện Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý vụ việc. Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa quảng cáo trên trang website/internet nêu trên.