Mặc dù các thông tin truyền thông giáo dục sức khỏe ngày càng phổ cập và đa dạng, thực tế số ca mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn còn nhiều.
Bệnh lây lan như thế nào?
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có hơn 30 loại vi khuẩn, virus và ký sinh trùng khác nhau được biết là lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng.
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai, sinh nở và cho con bú.
Năm 2020, WHO ước tính có 374 triệu ca nhiễm mới với 1 trong 4 bệnh lây truyền qua đường tình dục: Chlamydia (129 triệu ca), lậu (82 triệu ca), giang mai (7,1 triệu) và Trichomonas (156 triệu).
WHO cũng cho biết hơn 1 triệu ca bệnh lây truyền qua đường tình dục mắc phải mỗi ngày trên toàn thế giới, phần lớn trong số đó không có triệu chứng.
Một số có thể lây lan qua máu như chlamydia, lậu, virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), mụn rộp, virus nhú ở người (HPV) và virus viêm gan B.
Những người có nguy cơ:
- Bất kỳ người nào có hoạt động tình dục.
- Những người thường xuyên thay đổi đối tác.
- Những người không sử dụng bao cao su.
- Nam giới quan hệ tình dục đồng giới có tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) cao hơn.
- Người mắc bệnh đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị nhiễm trùng lại.
Các bệnh phổ biến nhất
Theo Tổ chức Y tế Xã hội Mỹ, mỗi năm, cứ 4 thanh thiếu niên ở quốc gia này thì có một người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Một nửa số thanh niên có quan hệ tình dục mắc bệnh ở tuổi 25.
Danh sách 10 bệnh lây truyền qua đường tình dục nhiều nhất:
- Bệnh zona sinh dục
- Virus u nhú ở người (mụn cóc sinh dục)
- Bệnh viêm gan B
- Chlamydia
- Giang mai
- Lậu
- HIV/AIDS
- Trichomonas
- Viêm âm đạo do vi khuẩn
- Ghẻ
Các bệnh như chlamydia, lậu, trichomonas và giang mai là 4 bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất có khả năng chữa khỏi khi phát hiện và điều trị sớm. Ước tính mỗi ngày có hơn một triệu ca mắc mới các bệnh lây truyền qua đường tình dục này.
|
Nhiều ca bệnh lây truyền qua đường tình dục không có triệu chứng.
|
Điều đáng lo ngại là dù có biện pháp để ngăn ngừa những bệnh nhiễm trùng, nhưng tỷ lệ lây nhiễm vẫn rất cao trên toàn thế giới.
Chủ động phòng bệnh
Theo kết quả nghiên cứu trên 1.251 người bệnh mắc nhiễm trùng qua đường tình dục (STI) từ tháng 9/2018 đến tháng 10/2020 của PGS.TS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các cộng sự về đặc điểm lâm sàng và nguyên nhân gây STI ở nam giới, cho thấy không dùng bao cao su và quan hệ qua đường miệng là hai hành vi tình dục chiếm tỷ lệ cao trong nhóm nghiên cứu, tương ứng chiếm 84,2% và 71,8%.
Triệu chứng lâm sàng chủ yếu của các STI là triệu chứng tiểu tiện và triệu chứng tiết dịch (32,1%), khoảng 14,6% người bệnh có đồng thời cả ba loại triệu chứng (triệu chứng dương vật, triệu chứng tiểu tiện và triệu chứng tiết dịch). Có khoảng 14,7% các trường hợp nhiễm trùng qua đường tình dục hoàn toàn không có triệu chứng.
Quan hệ tình dục an toàn là chìa khóa khi đề cập đến việc phòng ngừa. Đôi khi, bạn thường không biết rằng mình mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, do đó việc sử dụng bao cao su là điều quan trọng.
Khi sử dụng đúng cách, bao cao su là một trong những phương pháp bảo vệ hiệu quả nhất chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV). Bao cao su dành cho nữ cũng có hiệu quả và an toàn.
Nguyên tắc phòng bệnh
- Truy cập các nguồn giáo dục sức khỏe tình dục đáng tin cậy.
- Thực hiện xét nghiệm và điều trị kịp thời nếu bạn có nguy cơ.
- Hãy nhớ rằng nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục không có triệu chứng.
- Hạn chế quan hệ tình dục thông thường và sử dụng bao cao su với bạn tình mới.
- Chỉ quan hệ tình dục với một người, điều này có thể làm giảm nguy cơ mắc STD.
- Hãy xét nghiệm STD giữa các bạn tình và sau khi quan hệ tình dục không an toàn nếu cảm thấy mình có nguy cơ bị nhiễm hoặc tái nhiễm.
- Nói chuyện về nguy cơ tiềm ẩn mắc STD với đối tác của bạn.
- Nếu bạn đang mang thai và có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD), điều quan trọng là phải được xét nghiệm và điều trị trước khi sinh con.
- Tái nhiễm có thể xảy ra ngay cả sau khi điều trị thành công.
- Đảm bảo đối tác của bạn được điều trị để ngăn ngừa tái nhiễm.