"Tôi xin lỗi vì nói dối và khiến dịch bệnh lây ra cộng đồng"

Google News

Trong mùa dịch, một lời nói dối, khai báo thiếu trung thực hay động thái trốn cách ly, giấu bệnh của ai cũng có thể khiến tình hình tồi tệ thêm, đẩy cộng đồng vào nguy hiểm.

 

"Mình đã có những lời lẽ không hay, quá tiêu cực và mình biết như vậy là sai. Mình thành thật xin lỗi mọi người", N.T.T. (TP Dĩ An, Bình Dương) viết trên trang cá nhân.

Cuối tháng 2 năm ngoái, T. gây chú ý khi livestream khoe việc mình trốn cách ly và bày cho người khác cách làm theo. Trước đó vài ngày, cô gái vừa về từ vùng dịch Daegu (Hàn Quốc).

Để qua mặt lực lượng chức năng ở sân bay Tân Sơn Nhất, cô khai báo mình xuất phát từ thành phố Busan và được phép nhập cảnh.

Vì tâm lý chủ quan lẫn lo sợ, nhiều người dân cố tình giấu triệu chứng bệnh, trốn cách ly. Ảnh: Reuters.

Ngoài việc chạy chữa cho những bệnh nhân mắc COVID-19, nhân viên y tế cùng lực lượng chức năng còn đau đầu ứng phó với vô số trường hợp giấu bệnh, trốn cách ly.

Tăng nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm ra cộng đồng. Gây khó khăn cho việc kiểm soát của cơ quan quản lý. Gây hoang mang, lo lắng cho những người xung quanh.

Trong mùa dịch, một lời nói dối, khai báo thiếu trung thực hay động thái trốn tránh, giấu bệnh của một cá nhân cũng có thể khiến tình hình tồi tệ, đẩy cộng đồng vào nguy hiểm.

Lời nói dối gây hại cả cộng đồng

Tháng 2/2020, một nam du khách lớn tuổi người Thái Lan đẩy 30 y bác sĩ tại trung tâm y tế B.Care ở thủ đô Bangkok vào nguy cơ nhiễm virus cao. Nguyên nhân xuất phát từ việc giấu lịch trình di chuyển.

Trước đấy, người này vừa trở về từ Nhật Bản, nơi có số ca nhiễm cao khi đó.

Ngày 23/2, người đàn ông đến viện kiểm tra với triệu chứng ho, sốt. Khi được hỏi, người này một mực khẳng định không đi ra nước ngoài. Câu trả lời vẫn là “không” ở lần hỏi tiếp theo vào sáng hôm sau.

Sau đó vài giờ, người đàn ông mới thú nhận sự thật và lập tức được tiến hành kiểm tra. Xét nghiệm cho ra kết quả dương tính. Những bác sĩ từng tiếp xúc gần với bệnh nhân trong hai ngày cũng phải đi cách ly ngay sau đó.

Những lời nói dối về lịch trình di chuyển có thể gây nguy hại cho cả cộng đồng. Ảnh: SCMP.

Đến tháng 5, nam giáo viên 25 tuổi làm việc tại một cơ sở giáo dục tư nhân ở Incheon (Seoul, Hàn Quốc) khiến hàng loạt học sinh bị lây nhiễm COVID-19 sau khi giấu chuyện đến hộp đêm ở Itaewon.

Người này nói dối với các cơ quan chức năng rằng mình đang thất nghiệp. Theo Korea Times, 80 ca lây nhiễm liên quan đến nam giáo viên được ghi nhận sau đó. Hàng trăm học sinh, giáo viên, phụ huynh buộc phải cách ly y tế.

Ngày 18/11, bang South Australia tiến hành phong tỏa sau khi xuất hiện 20 ca mắc bệnh mới. Bệnh nhân F0 khai báo chỉ đến nhà hàng tên Woodville trong thời gian ngắn để lấy đồ ăn mang đi. Thực tế, người này là nhân viên làm việc thường xuyên tại đó.

Dựa trên lời khai không trung thực cùng hàng chục ca mắc COVID-19 mới ghi nhận, giới chức bang South Australia kết luận nhà hàng pizza là ổ dịch.

Nói cách khác, 1,7 triệu cư dân thành phố nhẽ ra không phải thực hiện lệnh phong tỏa nếu nhân viên đó khai báo trung thực với cơ quan truy dấu mầm bệnh. Tuy vậy, người này không bị phạt hay truy cứu trách nhiệm.

"Tôi xin lỗi vì không nghĩ lời nói dối của mình có thể khiến mọi chuyện nghiêm trọng tới vậy".

"Quy định cách ly được đề ra để cứu mọi người"

Đến tháng 10, người giáo viên ở Incheon (Seoul) bị phạt 6 tháng tù vì hành vi nói dối của mình.

Trong phán quyết, tòa án quận Incheon cho biết bị đơn đã "nói dối hơn 20 lần với các quan chức y tế được giao nhiệm vụ truy vết nguồn bệnh". Nam giáo viên bị buộc tội cản trở nỗ lực của lực lượng y tế để cách ly kịp thời những người có thể đã bị nhiễm hoặc tiếp xúc với virus.

"Hành động của bị đơn gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội và gây ra sự sợ hãi cho cộng đồng", phía tòa án tuyên bố.

Nói về hành động của mình, người này bày tỏ thái độ hối lỗi. "Tôi xin lỗi vì đã nói dối. Tôi không biết mọi chuyện lại đi xa và nghiêm trọng tới vậy bởi lời nói của mình", nam giáo viên nói.

Dù là tự cách ly tại nhà hay cách ly bắt buộc, vô số rủi ro nhiều khả năng xảy ra nếu một cá nhân không tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch. Việc phá vỡ chúng, dù chỉ một lần, cũng có thể khiến người vi phạm trả giá đắt.

Tháng 8 năm ngoái, Asher Vander Sanden (28 tuổi, Australia) bị phạt tù 6 tháng sau khi trốn trong một chiếc xe tải để di chuyển từ bang này sang bang khác trong mùa dịch. Lý do là người này không muốn mất 2.500 USD chi phí cách ly 14 ngày trong khách sạn.

Nhiều quốc gia buộc phải áp dụng án phạt tù với những ai nói dối, trốn tránh cách ly. Ảnh: AP.

“Tôi xin lỗi vì đã làm lãng phí thời gian của quý tòa và đẩy những người khác vào tình thế nguy hiểm vì hành vi thiếu cẩn trọng. Đáng ra chúng tôi không nên rời khỏi căn hộ. Chúng tôi đồng ý rằng đã vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm về nó. Điều đó sẽ không xảy ra nữa", David Maxime (29 tuổi) phát biểu trước tòa án hồi tháng 8/2020.

Trước đó, Maxime và người vợ Margarita Farfan (32 tuổi) bay từ Luxembourg qua London, hạ cánh tại Jersey (khu vực thuộc Vương quốc Anh). Theo yêu cầu, cả hai phải cách ly tại nhà đủ 14 ngày.

Nhưng 4 ngày sau đó, họ bị phát hiện vi phạm quy định khi một cảnh sát đến kiểm tra nhà. Cặp vợ chồng thừa nhận họ ra ngoài đi dạo, mua sắm khi không được phép.

Thẩm phán David Le Cornu đánh giá hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng vì cả hai đã đến trung tâm thương mại, nơi nhiều người dân khác có mặt.

"Các quy định cách ly có thể bất tiện nhưng chúng được đề ra để cứu cuộc sống của người dân trước dịch bệnh", vị thẩm phán cho hay.

Lợi ích cá nhân không thể cao hơn sức khỏe cộng đồng

Tình hình dịch bệnh vốn phức tạp, việc người dân khai báo gian dối hay trốn cách ly chỉ càng tạo thêm gánh nặng lên hệ thống y tế vốn đã chịu áp lực khổng lồ kéo dài.

Từng chia sẻ với Zing, ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho hay tâm lý của người trốn cách ly thường đến từ việc chủ quan với sức khỏe, e ngại khu cách ly thiếu thốn và lo sợ bị kỳ thị.

Tuy vậy, đây vẫn là hành động đáng lên án, thể hiện sự vô trách nhiệm.

Sự thiếu tuân thủ quy định kiểm dịch của một người chỉ càng làm tăng thêm gánh nặng lên các y bác sĩ. Tranh minh họa: NBC News.

“Người đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người khi trốn cách ly, cơ quan quản lý phải tìm kiếm tất cả những người đã tiếp xúc để giám sát và cách ly. Con số này có thể lên cấp số nhân. Như vậy, việc chỉ cách ly một người đơn giản hơn rất nhiều. Bạn không thể đặt quyền lợi cá nhân lên trên sức khoẻ cộng đồng", bác sĩ Nam nói.

Khi số người vi phạm lệnh cách ly hay cố tình che giấu bệnh tăng lên, nhiều quốc gia buộc phải áp dụng lệnh phạt tiền hoặc mạnh tay truy tố hình sự.

Tại Hàn Quốc, những bệnh nhân cố tình vi phạm lệnh cách ly sẽ phải đối mặt với án tù 1 năm hoặc khoản tiền phạt lên tới 10 triệu won (8.200 USD).

Ở Singapore, người không thực hiện lệnh cách ly bị tước thẻ cư trú dài hạn, cấm nhập cảnh, thậm chí truy tố đối với những người vi phạm quy định chống dịch COVID-19.

Tháng 4 năm ngoái, Tay Chun Hsien (Singapore) hầu tòa tại tòa án quận với cáo buộc vi phạm giãn cách xã hội. 30 phút trước khi lệnh cách ly tại nhà kết thúc, người này ra khỏi nhà và bị phát hiện.

 
Theo Hiền Thy/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)