Chủ nhật tuần vừa rồi anh ấy đưa tôi về chơi nhà, coi như là ra mắt mẹ anh ấy. Vừa đến cổng thì thấy mẹ anh đi chợ, vậy là anh liền bảo "mẹ để con và Xuân đi chợ cho". Mẹ anh vui vẻ đưa túi tôi cầm, nói "hai đứa thích ăn món gì thì mua nhé".
Trong khi vòng quanh chợ, anh khoe rằng hôm nay anh sẽ trổ tài đầu bếp cho tôi xem, sẽ làm những "món tủ" của anh mà chắc chắn tôi ăn sẽ thích. Anh còn nói sau này về chung một nhà rồi anh nhất định sẽ chia sẻ việc nhà cửa bếp núc với tôi bởi anh xem đó là một thú vui được mẹ bày dạy từ nhỏ.
Lúc đó tôi thầm nghĩ "mình nấu ăn không được khéo lại gặp đúng anh thích chợ búa bếp núc thế này thì còn gì bằng". Nhưng đi mãi mấy vòng quanh chợ, tôi nhận ra mình đã mỏi rã chân rồi mà anh vẫn chưa mua đủ những thứ mình cần.
Những thứ ấy không phải chợ không có, mà vì anh kì kèo trả giá ghê quá. Mua một con cá chép anh cũng đi khắp lượt các hàng rồi kì kèo trả từng nghìn một.
Mớ thì là hai nghìn anh cũng phải trả giá ba nghìn hai mớ mới mua. Anh mua năm lạng thịt bò, người bán cắt quá đi một tý anh cũng yêu cầu cắt bớt bằng đủ năm lạng bởi "nhà em chỉ ăn thế thôi, mua nhiều thừa lãng phí".
Tôi bảo anh là phiên phiến thôi, chứ đi khắp chợ khảo giá thì hết buổi, nhưng anh bảo: "Việc chợ búa này em chưa chắc giỏi bằng anh đâu. Tiền kiếm được một đồng cũng là mồ hôi nước mắt, đâu dễ để người ta thích lấy giá nào thì lấy được. Cứ thế… hết món nọ đến món kia, gần trưa anh mới mua xong đồ.
Trên đường về anh còn giảng giải cho tôi về nghệ thuật đi chợ, nghệ thuật mặc cả, còn tự hào "anh không bao giờ để mình bị mua hớ thứ gì, đến mẹ anh còn phải nể anh về khoản này đấy". Tôi ngồi sau xe, chân mỏi rã rời, thực lòng không muốn nói thêm một câu nào, không biết đây là ưu điểm hay nhược điểm của người đàn ông này nữa.
Nói về chuyện bếp núc đúng là anh rất thành thục đảm đang. Anh không cho tôi sờ vào việc gì, bảo cứ ra ngồi chơi với mẹ để anh "cân tất". Hai bác cháu ngồi nói chuyện một lúc thì anh bê mâm lên, nhìn món nào ra món đấy, bắt mắt và hấp dẫn vô cùng.
Mẹ anh không ngớt khen con trai "'nấu ăn không kém gì đầu bếp các nhà hàng hạng sang". Mà công nhận, anh nấu ăn ngon thật. Trong bữa ăn anh còn giảng giải về quy trình nấu ăn, món này tỏi phải phi dầu mấy phút, cá hấp trong bao lâu, thịt bò xào như thế nào là đủ độ chín… Buổi ra mắt này đúng là đã cho tôi biết những điều tôi chưa từng biết về anh, ngoài cái vẻ ngoài thư sinh hào hoa kia, chính là một "bà nội trợ đích thực".
Tôi về nhà, kể về anh cho cả nhà nghe, ông anh trai tôi cười ngặt nghẽo: "Đời cô phải tu mấy kiếp mới gặp được cậu ấy đấy. Hôm nào dẫn cậu ấy về ra mắt trổ tài cho anh sáng mắt với". Chị dâu tôi thì nói "chả cởi giày ra mà chạy cho nhanh còn gì nữa. Đàn ông đàn ang, đi chợ mặc cả từng nghìn một thì về nhà cũng "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành", kinh lắm". Bố mẹ tôi thì nghiêm túc hơn: "Con cứ tìm hiểu thêm cậu ấy đã".
Sau buổi đi chợ cùng anh, tự nhiên tôi cứ phân vân với mối quan hệ này. Bình thường thì tôi thấy anh không có vấn đề gì: Đi ăn đi chơi với tôi anh vẫn chủ động trả tiền. Mặc dù thỉnh thoảng anh có kể anh có mấy ông bạn vô duyên, rủ đi nhậu thì nhanh nhưng chỉ thích "ăn chùa", ở đời phải có đi có lại, cứ thế mãi rồi người ta cũng chán. Anh cũng không quá khắt khe chuyện này chuyện kia.
Tôi không biết mình có lo lắng và suy nghĩ quá nhiều không khi thấy rằng những điều mà anh tự hào tôi lại thấy là nhược điểm. Lấy một người chồng như anh, tôi nên thấy mình may mắn tu mấy kiếp mới gặp được như anh trai tôi nói hay là xách giày lên mà chạy cho kịp như chị tôi khuyên?