Nghe mẹ bảo vừa đặt xong vé cho chuyến du lịch dài ngày sắp tới, đợi khi con gái kết thúc năm học cả nhà sẽ đi, con bé quay sang hỏi ba nó một câu khiến anh ngắc ngứ: "Ba ơi, vòi nước nhà mình cứ chảy nhỏ giọt ngay cả khi đã khóa. Rồi khi nhà mình đi về thấy nước tràn ra nhà như vỡ đê thì sao đây?".
Tưởng lời con trẻ hồn nhiên như đánh thức sự trì trệ phía chồng, khiến anh xốc vác lên đôi chút, tuy nhiên thêm một tháng trôi qua mọi thứ vẫn im lìm như cũ. Chồng hết việc nọ đến chuyện kia xen ngang xem chừng bận rộn lắm, nhưng tựu trung lại chỉ là cuối tuần hẹn mấy ông bạn đi cà phê ngắm chim, ngắm hoa hội chợ. Tôi lên tiếng giục mấy lần nhưng anh bảo cứ để đấy anh làm, mấy giọt nước chảy lãng phí có chết ai đâu.
Nhưng phụ nữ, đi chợ cân đo đong đếm cốt sao tiết kiệm thêm được vài ngàn mỗi buổi, giờ thấy nước nhỏ giọt ngày đêm vô lý, sốt ruột vô cùng. Không dằn được nữa, tôi đi siêu thị nội thất, mua vòi nước mới rồi mày mò tự làm. Khi chồng đi tụ họp bạn về, thấy vòi nước mới đã được thay, không những chẳng giật mình xấu hổ còn níu vai vợ ôm rồi lấp liếm: "Vợ mình thế mà giỏi".
|
Ảnh minh họa. |
Tôi chẳng muốn giỏi thì trong tình cảnh này cũng cố phải giỏi. Nhớ cách đây bốn năm, anh đi công tác triền miên, căn nhà cấp bốn xuống cấp trầm trọng buộc phải sửa gấp. Lúc đó tôi đang mang bầu bé thứ hai. Thế mà lúc vào việc quên cả bản thân đang mang trong mình sinh linh bé nhỏ, dọn dẹp thậm chí khuân vác cứ phăm phăm.
Cũng may trời thương, con bé trong bụng vẫn phát triển bình thường, không gây khó dễ gì cho mẹ. Qua đận ấy, tôi nghĩ đàn bà đảm đang nhận hết việc về mình cũng là cái khổ. Từ đó tôi bớt cầu toàn đi, giả vờ lười, nhiều lúc ngây thơ, những mong "nhường sân" lại cho chồng.
Thế nhưng bản tính trì trệ của anh hình như đã ngấm vào máu. Ngay cả khi anh được điều chuyển về gần, nhà cửa đã khang trang, con cái đã cứng cáp, nhưng xem chừng anh nghĩ đấy là điều hiển nhiên mình đáng được hưởng. Tuyệt nhiên không hề thấy chồng có chút tâm lý hối lỗi hay bù đắp lại chút tinh thần cho vợ trong thời kỳ không có mặt chồng đã phải gánh vác tất cả.
Căn nhà sửa sang lại rồi, nhưng thời điểm ấy thiếu tiền quá nên tôi đành gác lại việc lát sàn gỗ. Tới giờ đã nhiều năm trôi qua, dự định hoàn thành sàn gỗ để nhìn gian phòng mát mẻ, khang trang hơn vẫn còn đó, tôi bàn với anh hay vợ chồng mình mua nguyên vật liệu về tự sửa. Chồng ừ hữ, em tính hay đó, để anh xem thời gian nghỉ phép thế nào còn cân nhắc. Thêm hai năm nữa anh vẫn cân nhắc.
Nhà có con nhỏ, mỗi lần bạn bè chúng tới chơi, ăn uống đổ nước cam xuống nền nhà đang lót thảm, lau dọn vất vả vô cùng. Tôi không nén được, lại tất tả một mình đi mua nguyên vật liệu, thuê thêm cậu em họ đang ở trọ gần đây, vốn làm nghề xây dựng. Vậy là hai chị em dành cả ngày chủ nhật dịch chuyển đồ đạc, lát mới toàn bộ gian phòng.
Lúc đó tôi chẳng mong anh về giữa chừng. Thà anh cứ cà phê hẹn hò với bạn hữu đến tàn buổi, về nhà khi mọi thứ đã xong xuôi còn đỡ khó xử cho tôi. Là vì tôi biết tính chồng, anh ít khi xốc vác, đụng tay trực tiếp vào việc nhưng hay đứng chỉ đạo và muốn người khác làm theo ý mình. Riết rồi tôi cũng mắt nhắm mắt mở đi gần mười năm hôn nhân với chồng.
Căn hộ nếu đợt đó tôi không quyết tâm sửa sang lại, giờ chắc cả gia đình vẫn đối diện với mái nhà lụp xụp. Vòi nước không tự thay, chắc bản thân vẫn phải cắn răng ngày đêm nghe tiếng tí tách. Anh vẫn vậy, đi ra ngoài quần là áo lượt, ngồi cà phê trà đá chém gió với nhóm bạn hữu thánh thần. Mỗi khi bạn bè hỏi tới nhà cửa con cái hiện tại, câu cửa miệng của anh luôn là: "Một tay vợ chồng tớ đi lên khi xuất phát điểm chỉ là con số không tròn trĩnh. Hai bên bố mẹ không giúp được gì, cũng do hai vợ chồng đồng thuận mà thành."
Tôi không cự nự hơn thua với chồng trong những câu nói kiểu như thế. Thôi để anh được mát mặt với bạn bè cũng được. Tuy nhiên nhiều năm trôi qua, một mình gồng gánh hai vai, làm chồng khi đang là vợ, tự dưng tôi thấy sức mình đuối đi và mệt mỏi vô cùng.