"Tôi làm việc tại nhà. Khi tổ chức họp với nhân viên, mọi người chỉ tập trung vào nội dung cuộc họp. Tôi không nhận được nhiều tương tác cá nhân như 'bạn khỏe không', 'gia đình bạn thế nào rồi'".
Đây là những chia sẻ của Anne Helms (36 tuổi), sống ở bang Ohio, Mỹ. Làm việc ở nhà giúp cô có thêm thời gian cho chồng con, nhưng cũng có những lúc cô thấy cô đơn đến mức chỉ có thể trò chuyện với cún cưng ở nhà.
Kiệt sức vì nuôi con
Ngày 24/4, Trung tâm Y tế Wexner của Đại học Ohio State công bố một khảo sát với hơn 1.000 cha mẹ. Kết quả cho thấy nhiều ông bố, bà mẹ ngày nay nhận thấy việc nuôi con cái là một thách thức vì họ có nguy cơ mất kết nối với những người lớn khác.
Ước tính khoảng 66% phụ huynh làm khảo sát cảm thấy những yêu cầu của việc làm cha mẹ khiến họ cảm thấy cô đơn và bị cô lập, trong khi gần 40% cảm thấy họ không có ai hỗ trợ trong việc nuôi dạy con cái.
Trong khảo sát này, khoảng 62% người nói họ cảm thấy kiệt sức vì trách nhiệm làm cha mẹ. Nhà trị liệu hôn nhân gia đình Kacey Cardwell, người tham gia nghiên cứu, nhận định điều này cần được chú ý nhiều hơn vì sự cô đơn trong việc nuôi dạy con thường đi đôi với cảm giác kiệt sức.
"Khi cha mẹ cảm thấy cô đơn và bị cô lập, điều đó nói lên rằng nhu cầu của họ đang không được đáp ứng vì họ đã dồn hết những gì có thể cho con mình. Đó chính là 'công thức' gây ra sự kiệt sức", bà Cardwell nói với CNN.
Phó giáo sư Kate Gawlik tại Đại học Ohio State, người thực hiện nghiên cứu, cũng là mẹ của 4 đứa con, nói rằng những người làm cha mẹ thường được kỳ vọng sẽ trở thành những siêu nhân khi làm việc và phải dạy con không ngừng nghỉ.
Kiệt sức không phải điều mới mẻ với cha mẹ, nhưng đại dịch đã khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.
Ví dụ, Helms mang thai con gái khi đại dịch ập đến. Không lâu sau, chồng cô bị sa thải và cặp đôi buộc phải tiết kiệm để nuôi con.
Do mang thai trong thời kỳ dịch bệnh, Helms rất thận trọng khi tiếp xúc và tương tác với người khác. Điều đó khiến cô bắt đầu mất kết nối với nhiều người quen, bạn bè.
Làm thế nào để vượt qua
Giống như nhiều cha mẹ khác, Helms làm việc ở văn phòng trước khi dịch Covid-19 ập đến và đã quen với những tương tác xã hội. Thời gian đó, khi có thời gian rảnh, cô lại cùng đồng nghiệp nói về những điều xảy ra trong cuộc sống.
Dù cùng đồng nghiệp chia sẻ nhiều, người mẹ vẫn không vượt qua được cảm giác cô đơn khi nuôi con, đặc biệt là vào lúc các con trải qua những thử thách trong cuộc sống.
|
Cha mẹ mất kết nối và không thể chia sẻ vấn đề dạy con với người khác. Ảnh minh họa: Pexels. |
Có chồng cùng đồng hành dạy con, Helms vẫn phải tham khảo ý kiến từ một phụ huynh khác. Khi một mình đối mặt với những vấn đề trong việc nuôi lớn một đứa trẻ, cô lại càng cảm thấy cô đơn hơn.
"Chúng ta đều từng trải qua việc ở trong một căn phòng đầy người nhưng không kết nối được với ai và cảm thấy rất cô đơn. Việc nuôi dạy con cũng vậy, bạn chắc chắn đang kết nối với con, nhưng đó là kết nối giữa cha mẹ và con cái chứ không phải giữa bạn bè hay giữa vợ chồng với nhau", phó giáo sư Gawlik phân tích.
Khi đối mặt với cảm giác kiệt sức, nhà trị liệu hôn nhân gia đình Kacey Cardwel khuyên các cha mẹ nên tìm kết nối trong cộng đồng, nhất là với những người sống gần.
Ví dụ, bạn có thể tìm một người bạn để cùng đi bộ, cùng làm đồ thủ công hay chỉ đơn giản là tìm người đi chung xe ở ngay trong khu phố.
Bà Cardwel nói thêm rằng các hội nhóm trên mạng là chưa đủ vì đó chỉ là hoạt động xã hội một chiều. Các hội nhóm sẽ không thể thay thế việc nói chuyện và trao đổi trực tiếp với nhau.
Nữ chuyên gia lấy ví dụ khi bạn ở cùng một nhóm bà mẹ đang nuôi con ở độ tuổi giống con bạn, bạn có thể cùng họ chia sẻ những trải nghiệm giống nhau và có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Helms đã tham gia một nhóm phụ huynh như vậy và điều đó giúp cô cảm thấy bớt cô đơn hơn rất nhiều.
"Khi một phụ huynh chia sẻ, tôi sẽ gật đầu kiểu như 'đúng rồi, tôi cũng trải qua chuyện như vậy' hoặc 'đúng, bây giờ tôi đang gặp chuyện như thế đây. Điều đó rất có giá trị và mang lại nhiều ý nghĩa với tôi", người mẹ chia sẻ.