Tôi không thể chịu nổi mẹ vợ hà khắc

Google News

Vợ chồng Viên nổi tiếng là con nhà gia thế, tuổi trẻ tài cao và luôn được bà con khu phố bình chọn là gia đình văn hóa mới.

Thế nhưng từ khi bà Lãm, mẹ vợ Viên đến ở để con gái tiện chăm sóc sau khi bà mổ ruột thừa về thì tất cả mọi chuyện đảo lộn. Bà Lãm khó tính khó nết chê bôi con rể đủ điều, thậm chí đến cái lược sờn gáy gãy răng, cái kính lão cong một bên gọng bà cũng đổ cho con rể...

Như mọi con phố mới ở Hà Nội, con phố của gia đình Viên - Hiện bình yên, rộng rãi với khuôn viên cây xanh và những chiếc ghế đá, khu tập thể dục của các cụ cao tuổi, trẻ em vui chơi hằng ngày, thanh niên, trung niên tập thể dục mỗi sớm, mỗi chiều. Kể từ khi Hiện đón mẹ về chăm sau đợt bà bị mổ ruột thừa thì bà Lãm, mẹ Hiện thường xuyên ra khu vườn cảnh này chơi.

Toi khong the chiu noi me vo ha khac

Ảnh minh họa

Vốn quen sống ở làng quê, bà Lãm dễ dàng thân quen với mọi người bởi hay chuyện. Nhưng bà Lãm là người ghê gớm từ xưa tới nay, ở nhà họ hàng, làng mạc ai cũng biết tính cả. Nể vì con cái bà thành đạt, lại toàn người biết điều, biết cư xử nên dù tính bà hay đi nói chuyện người khác, hay nói sai ngoa cho người này người kia bà con lối xóm biết vậy, bấm bụng bảo nhau không đôi co. Nhưng từ khi bà lên Hà Nội, ở khu phố mới với con gái thì lại khác: Ban đầu mọi người còn vui vẻ, sau mọi người bắt đầu hỏi han nhau và đặt ra những câu hỏi nghi vấn từ những vấn đề bà Lãm nêu ra.

Bà Lãm khoe gia đình bà mua nhà cho con rể nhưng mấy bà hàng xóm xúm lại vặn vẹo: “Chúng tôi ở đây từ ngày đầu, thấy anh chị ấy quán xuyến mọi việc, đâu có thấy bà lên?”. Khi bà Lãm chê con rể tính vụn vặt, đàn bà, hay để ý xét nét thì bà con ở phố lại khen con rể bà lễ phép, có văn hóa, hiếm ai về phố mới lại có thói quen chào hỏi người già cả như vậy. Bà Lãm khó chịu ra mặt. Vì ở quê bà nói gì là có người tung kẻ hứng, có ai đó từ chối khéo không nghe chuyện của bà thì bà sẽ nghĩ chuyện đi bêu riếu, nói xấu dài dài, cho tới khi nào có người khác làm bà ngứa mắt thay thế thì thôi. Mà nay ở Hà Nội, trong cái phố mới bé nhỏ này lại không ai đứng về phía bà. Đã thế, bà cứ “hở” ra câu nào là bị “rào chặn” câu đó.

Bà Lãm quày quả bỏ ngang buổi đi dạo, về nhà ngồi phịch xuống ghế, rồi hăm hở lên phòng các con bố trí cho riêng bà, mở toang cửa ra rất mạnh, làm cánh va vào tường ầm một cái.

Tối hôm đó, trong bữa ăn gia đình, bà Lãm bắt đầu nói xấu mấy bà già cùng khu phố hay ngồi chơi nói chuyện với bà lâu nay. Người thì bà cho là ghê gớm, người bà bảo hay chê bôi nói xấu người khác, người bà cho là cậy mình nhà giàu ở phố xá, coi thường người nhà quê… Từ hôm mẹ lên ở, Hiện thương mẹ, cũng ra trò chuyện và nhờ bà con cô bác quan tâm nhưng hôm trước đi chợ, chị được một bà cụ gọi riêng ra một chỗ dặn dò: Hạn chế cho mẹ ra ngoài chơi vì bà ngoại toàn đi nói xấu con rể và nói nhiều điều không đúng sự thực, bị mọi người dị nghị, ác cảm. Hiện biết tính mẹ nên cảm ơn bà cụ cùng phố rồi về nhẹ nhàng nhắc nhở: “Ở trên này phố xá, lại là Hà Nội, nhà nào biết nhà nấy, mẹ có ra ngoài vườn hoa chơi đừng nói chuyện nhà mà người ta cười cho”. Bà Lãm gắt gỏng: “Ai đời nào tôi bằng này tuổi đầu mà không biết chuyện ấy, lại còn phải dạy khôn tôi”.

Chuyện tưởng có thế, nào ngờ hôm nay bà Lãm sau khi liệt kê một số gương mặt bà con cùng phố thì nằng nặc đòi về. Viên vừa tắm gội xong cũng xuống nhà ăn góp chuyện. Dù được vợ nói sơ qua về tính cách bà ngoại và những vấn đề bà mẹ vợ gặp phải qua những ngày đầu ở chơi nhưng Viên vẫn ôn tồn mong mẹ ở lại, anh nói: “Chúng con ở đây có điều gì sai sót thì mẹ hãy giận chứ hàng xóm toàn các cụ tuổi mẹ hoặc nhiều tuổi hơn thì trái tính trái nết là chuyện thường, mẹ đừng vì thế mà về lúc này. Ở nhà ai cũng đi làm xa, điều kiện vật chất không tốt như ở đây, chúng con lại không thể bỏ việc về đấy sớm hôm chăm mẹ được”.
Chẳng hiểu bà Lãm bức bối, giận dỗi thế nào mà nghe xong Viên nói bà quay qua quặc lại: “Ý anh chê nhà chúng tôi nghèo, không bằng nhà anh chị hay anh ám chỉ tôi ghê gớm, chấp nhặt, không biết thông cảm với bạn già? Anh chê tôi khó tính khó nết thì nói thẳng ra, làm sao mà phải vòng vèo vin vào độ tuổi này độ tuổi nọ?”.

Toi khong the chiu noi me vo ha khac-Hinh-2

Ảnh minh họa

Viên đang vui vẻ, bị mẹ vợ dồn cho một loạt câu hỏi ngớ hết cả người, mặt đỏ lựng, lúng túng thanh minh. Bà Lãm nhìn thấy thế, như được đà, bà cao giọng: “Tôi ít học nhưng đủ khôn ngoan để hiểu các vấn đề. Xưa nay anh chị được tiếng là giàu nhất nhà nhưng cũng cơ chỉ nhất, tôi biết chứ. Về quê thăm tôi lần nào anh chị chẳng tay xách, nách mang đủ các thể loại túi lớn túi bé, cả làng cả tổng tưởng tôi sướng lắm, con cái giàu có đề huề. Ai ngờ đâu chẳng có đồng tiền nào, quà thì để dành làm sao được, chia cho người nọ hỏi han, người kia thăm nom thì mấy bữa là hết”.

Hiện đang nấu ăn, ngượng ngùng quay lại nhìn mẹ, trong ánh mắt có chút ngỡ ngàng. Viên cũng sửng sốt hết nhìn mẹ vợ lại nhìn vợ. Hiện tắt bếp, kéo ghế ngồi xuống bàn ăn cùng mẹ và chồng, chị nghèn nghẹn giọng: “Mẹ nói chúng con mới biết được bấy lâu vì sao mẹ cứ giận, cứ bóng gió mắng mỏ mà không hiểu nguyên do. Thực tình là chúng con xây được cái nhà đàng hoàng, to đẹp nhưng hai vợ chồng cũng chỉ trông vào lương. Lương có cao nhưng tiết kiệm, tùng tiệm thì mua đất, xây nhà cũng hết. Chưa kể mua sắm, hoàn thiện nhà phải vay mượn bạn bè thêm. Mỗi lần về thăm mẹ chúng con đều tranh thủ đi mua hàng khuyến mại ở siêu thị. Cả bên nội và bên ngoại đều thế. Mẹ thông cảm cho chúng con”.

Bà Lãm không nói gì, quay phắt mặt ra phòng khách. Hai vợ chồng Viên - Hiện lặng nhìn nhau. Viên chủ động phá tan bầu không khí nặng nề. Anh nói: “Thôi, em đừng nghĩ nữa, mẹ cũng không thiếu thốn gì, mẹ sẽ thông cảm cho bọn mình. Em xem còn phải làm món gì nữa thì làm để ăn tối cho các con còn học bài”.

Ngay tối đó, bà Lãm đùng đùng đóng sập cửa lại rồi gọi điện thoại khắp nơi cho con này cháu kia. Bà chê bôi con rể, mắng mỏ con gái. Bà nói với cô cháu dâu cũng “ngang cơ” về tính hay nói xấu mọi người như bà thím: “Ối giời ơi, cái thằng đấy chỉ được mẽ bề ngoài, nó bắt thóp con Hiện lành tính, thương chồng, thương con nên chỉ nhom nhóp lo cho nhà nó thôi. Đàn ông đàn ang mà tính bỏn xẻn, lại hay tắt mắt, đến cái lược, cái kính của bà nó cũng thó trộm về cho mẹ nó”. Cô cháu dâu được dịp “Thế á”, “Thế à” um lên, giọng đầy a-dua, xu nịnh: “Có phải cái lược gãy 3 răng của thím không? Khiếp, đến cái lược sờn hết cả gáy mà còn lấy thì tha cái gì mà không chôm chỉa đây. Úi giời, lại còn cái kính lão oằn một bên gọng. Giàu thế chả mua tặng mẹ vợ cái mới lại còn trộm mất cái cũ. Kinh quá là kinh!”. Bà Lãm có vẻ hơi ớ ra, chắc bà hình dung ra cái lược “dở hơi cám hấp” của bà mà vì keo kiệt bà chẳng buồn thay hay cái kính cong gọng con bà mấy lần bảo mua cái mới bà chỉ lấy tiền đẹt cạp quần chứ không bỏ ra vì tiếc… Bà chợt nghĩ, hay cái con cháu dâu này đang tỉ đểu mình cũng nên???

Theo THƯƠNG KIỀU/Baophunuthudo

>> xem thêm

Bình luận(0)