Thực tế, không ít cha mẹ cũng ý thức được sai lầm của mình, thế nhưng khi con cái mắc lỗi, họ thường không kiềm chế được, không tự chủ được mà nói lớn tiếng. Theo các chuyên gia giáo dục, việc lớn tiếng quát nạt trẻ không chỉ kém hiệu quả mà còn không tốt cho sự phát triển tính cách và tâm lý của các con.
Bác sĩ Dương Kiện, chủ nhiệm trung tâm phát triển trẻ em thuộc Đại học Vũ Hán cho biết, phương pháp giáo dục khiển trách thông qua la mắng, quát nạt của các bậc phụ huynh nếu như được sử dụng trong thời gian dài sẽ dần dần thay đổi sự sợ hãi của trẻ thành thói quen bị quát mắng. Sau cùng, thành nhắm mắt làm ngơ, quát mắng kiểu gì cũng phí lời.
Đồng thời, khi cha mẹ lớn tiếng quát mắng con, tâm tình của họ chắc chắn kích động, khiến con trẻ sản sinh ra cảm giác bị áp bức, dẫn đến tâm lý nổi loạn, sinh phản nghịch.
Đặc biệt đối với trẻ em vị thành niên, loại hình giáo dục này góp phần củng cố những cảm xúc bất lợi và ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ.
"Trên thực tế, khi đối phó với cùng một vấn đề, thái độ của cha mẹ khác nhau. "Giáo dục thấp giọng" là một trong những phương pháp giáo dục cơ bản nhưng hiệu quả rất lớn, có thể nói là "làm chơi ăn thật", bác sĩ Dương Kiện nói.
Từ góc nhìn của phụ huynh, nói năng nhẹ nhàng, thấp giọng lại có thể làm giảm bớt sự cáu kỉnh tức thời, giúp bình tĩnh nhanh chóng, có lợi cho việc giải quyết vấn đề. Lúc này, có nói gì, trẻ nhỏ cũng dễ dàng tiếp thu hơn.
Từ góc nhìn của những đứa trẻ, khi làm sai nhưng lại được cha mẹ nhắc nhở với thái độ bình tĩnh, sẽ giúp cảm xúc của các em ổn định, tâm lý được thư giãn, không còn nảy sinh tâm lý phản kháng.
Lúc này, trẻ em có thể tập trung tất cả sự chú ý của mình vào nội dung giáo dục của cha mẹ, nhờ đó khả năng tiếp tục phạm sai lầm giảm đi rất nhiều.
Đặc biệt, khi trẻ mắc lỗi ở nơi công cộng, tiếng la hét ầm ĩ của cha mẹ chắc chắn sẽ khiến trẻ có cảm giác xấu hổ. Lúc này, điều chúng nghĩ là làm thế nào để tránh bối rối và ngăn cha mẹ la mắng. Chúng không có thời gian để nghĩ về đúng sai, tự nhiên cũng sẽ không thể nhận thức rõ ràng sai lầm của mình.
Vẫn biết rằng phương pháp "giáo dục thấp giọng" không hề dễ dàng, đòi hỏi các bậc phụ huynh phải rèn luyện nhiều lần. Về vấn đề này, bác sĩ Dương Kiện cũng cho lời khuyên như sau. Khi con trẻ mắc lỗi, cha mẹ không nên vội vàng trách mắng, đòi phạt. Mọi người nên hít một thời thật sâu, dừng lại vài phút trước khi nói, cho cả bản thân và con cái có thời gian để kiểm soát cảm xúc, tâm trạng.
Khi phê bình, chú ý hạ thấp giọng của mình, đừng la mắng, đừng to tiếng, sử dụng âm điệu và từ ngữ chính xác.
Luôn phải nhớ rằng, khi khiển trách và phê phán, không được dùng ngôn ngữ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ.
Khi trẻ nhận thức được những sai lầm của mình, cha mẹ nên giải thích lỗi sai của trẻ kịp thời và dạy trẻ cách đối phó, giải quyết sai lầm đúng cách.