Chị Nguyễn Phương Lan (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tìm đến chuyên gia tâm lý vì thấy mình dành hết tâm huyết và sức lực cho con nhưng dường như đứa trẻ mà chị yêu thương lại bàng quan với tất cả, mọi việc trong gia đình và quan trọng là đứa trẻ này không biết trân quý sức lao động của bố mẹ, chỉ biết đòi hỏi mà không biết cảm ơn.
“Tết vừa rồi, hai vợ chồng tôi muốn tạo bất ngờ nên mua tặng con gái một bộ áo dài rất xinh. Tôi gói gém món quà cùng lì xì 1 triệu trong hộp quà rất đẹp. Sáng mùng 1 Tết mang tặng con, tưởng nó rất vui và cảm kích trước tấm lòng của bố mẹ nhưng không phải.
Nó bĩu môi chê chiếc áo dài nhìn quê mùa quá và bóc lì xì ngay trước mặt hai vợ chồng tôi. Nó hỏi tại sao không phải 2 triệu hay 4 triệu? Các bạn nó toàn được bố mẹ mừng tuổi như vậy. Tôi chết đứng rồi sau mới trấn tĩnh để nói chuyện với con, rằng đó là lộc đầu năm của bố mẹ để mong một năm mới mang may mắn, an lành, là tấm lòng của bố mẹ giành cho con, tuy nhiên con bé vẫn phụng phịu", chị Lan buồn rầu kể.
|
Ảnh minh họa. |
Chị Lan kể tiếp, mới đây, con giành được giải nhất cuộc thi học sinh giỏi môn tiếng Anh của TP. Con nói muốn đổi điện thoại, vợ chồng chị Lan đồng ý nhưng ngay sau đó lại xảy ra tình huống "oái oăm" vì con lại đòi mua cái điện thoại thời thượng nhất bây giờ trị giá hơn 30 triệu trong khi lương của hai vợ chồng chị cả tháng gom lại còn chưa đủ số tiền trên thì làm sao mua được.
"Tôi phản đối, vậy là 2 ngày nay cháu dỗi mẹ, không nói chuyện, mẹ nấu cơm cũng không ăn mà bữa nào cũng ăn mì. Thật là bất lực”, chị Phương Lan cho hay.
Ngay sau khi câu chuyện của chị Phương Lan được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh. Nhiều người than thở cùng cảnh ngộ, dùng hết tình yêu cho con nhưng cuối cùng lại nuôi dạy nên những đứa trẻ không biết quý trọng sức lao động của bố mẹ và không biết nói lời cảm ơn.
Về vấn đề này, chuyên gia giáo dục Huỳnh Tiến Minh (Học viện Quản lý giáo dục) cho biết: “Không biết quý trọng sức lao động của bố mẹ, không biết cảm ơn sự khó nhọc của bố mẹ là những đứa trẻ vô ơn.
Tuy nhiên, trước khi trách chúng thì bậc phụ huynh nên nhìn lại chính mình xem mình yêu thương dạy dỗ thế nào mà lại tạo ra những đứa trẻ vô ơn như vậy.
Chẳng phải cha mẹ luôn dốc toàn lực để con cái không phải trải qua khó nhọc thì sau khi trưởng thành, chúng hoàn toàn không biết đối diện với những khó khăn và quên rằng thành quả mình có là do đâu? Do đó chúng không biết trân trọng sức lao động của bố mẹ cũng đúng”.
Theo anh Huỳnh Tiến Minh, con cái đã quen với việc có người che gió che mưa cho chúng, giải quyết tất cả những phiền phức cho chúng mà không dạy con biết tự che mưa cho mình để trân trọng hơn những người yêu thương, giúp đỡ mình?
Một điều hiển nhiên khi cha mẹ yêu thương quá sâu đậm thì con cái sẽ quen với việc tiếp nhận và đòi hỏi đơn phương, chỉ nhận lại mà không biết cho đi. Thực tế là có những đứa trẻ cảm thấy tất cả mọi thứ đều có thể dễ dàng có được nên không biết trân trọng.
"Nếu cha mẹ càng đặt con cái vào vị trí trung tâm của cuộc sống, bỏ công sức vô điều kiện, chiều chuộng hết mực, lo toan hết mực mà không để con tự làm việc, tự suy nghĩ, tự trưởng thành thì sẽ nuôi dưỡng thành những đứa trẻ không biết cảm ơn.
Các bố mẹ hãy nhớ rằng, cuộc sống của bạn là cuộc sống của bạn, cuộc sống của con cái là cuộc sống của con cái, hãy để con cái tự bước trên đôi chân của mình, đừng bao bọc con thái quá", chuyên gia giáo dục Huỳnh Tiến Minh nhấn mạnh.