1. Điều gì xảy ra khi tiêm chủng?
Tiêm vắc xin giúp chúng ta đạt được khả năng miễn dịch để tránh bị lây nhiễm trong tương lai. Khi tiêm, vắc xin sẽ đi vào các mô tế bào, thu hút sự chú ý của một số tế bào “đuôi gai” có chức năng theo dõi những “kẻ xâm nhập”. Từ đó, chúng sẽ phát hiện và báo động cho cơ thể chống lại “khách không mời”.
2. Tại sao một số người gặp tác dụng phụ sau khi tiêm?
Hầu hết các phản ứng phụ do vắc xin đều chứng tỏ hệ thống miễn dịch đang hoạt động, khiến chúng ta đau nhức hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, sốt, ớn lạnh, buồn nôn và đau cơ.
vắc xin “đánh lừa” hệ miễn dịch rằng mầm bệnh thực sự đã xâm nhập vào cơ thể, kích hoạt phản ứng chống lại tác nhân gây hại dẫn đến tình trạng viêm và sưng tấy ở các hạch bạch huyết.
3. Tại sao không nên bỏ qua mũi tiêm thứ hai?
Đa số vắc xin COVID-19 hiện nay đều cần được tiêm hai liều như Pfizer, Moderna, AstraZeneca. Mũi đầu tiên tạo ra các kháng thể trung hòa trong cơ thể, ngăn chặn virus SARS-CoV-2 khiến chúng ta nhiễm bệnh. Nhưng sự bảo vệ của các kháng thể này chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn.
Do đó, trong hầu hết các trường hợp, chúng ta cần tiêm liều thứ hai để giúp cơ thể tạo ra phản ứng lâu dài và mạnh mẽ hơn chống lại mầm bệnh. Lần tiêm thứ hai giúp cơ thể hình thành các tế bào “ghi nhớ” dài hạn, bên cạnh các kháng thể bảo vệ ngắn hạn. Do đó, một số người có thể gặp tác dụng phụ mạnh hơn sau lần tiêm thứ hai vì cơ thể đã có phản ứng mạnh hơn, nhanh hơn và tốt hơn để chống lại virus.
Tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin khiến một số người e dè, nhưng hậu quả khủng khiếp mà COVID-19 gây ra có thể khiến chúng ta không còn cơ hội để hối hận.