Mũi 1 tiêm vắc xin Moderna, mũi 2 Vero Cell
Sáng 14/9, chị T.T.T.L. (sinh năm 1980, ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TPHCM) phản ánh với Báo Phụ Nữ TPHCM về việc chị vừa bị tiêm nhầm vắc xin Vero Cell.
Theo chị L., ngày 5/8/2021 chị đã tiêm mũi 1 vắc xin Moderna. Đến ngày 13/9, chị nhận được tin nhắn mời 8g48 ngày 14/9 đến Trường tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) tiêm ngừa.
“Sau khi khám sàng lọc, tôi được một nhân viên hướng dẫn vào khu vực chờ tiêm. Tôi có nói mũi 1 tiêm Moderna nên người tư vấn nói mũi 2 tiêm Pfizer. Sau đó, một bác sĩ tiêm cho tôi (thuốc đã được bơm sẵn trong ống). Tiêm xong, tôi hỏi loại vắc xin gì thì bất ngờ bác sĩ này nói Vero Cell”, chị L. nói.
|
Tin nhắn thông báo chị L. đi tiêm ngừa (Ảnh NVCC) |
Chị L. cho biết: "Ngay sau khi phát hiện bản thân bị tiêm nhầm, tôi đã yêu cầu được làm việc với bác sĩ. Bác sĩ tên Ngô An Đạt đã đến khám và không ghi nhận sự bất thường nào, nên viết giấy hẹn 10g ngày 25/9/2021 mời tôi quay lại test kháng thể".
Trong quá trình theo dõi sức khỏe cho chị L., bác sĩ Đạt biết được chị L. là F0 đã khỏi bệnh khoảng 2 tháng trước. Tuy nhiên, trước khi tiêm vắc xin chị không khai báo với điểm tiêm. Về việc này, chị L. nói chị không thể khẳng định chị có phải F0 hay không.
Chị L. nói: “Ngày 10/8/2021, tôi cảm thấy mệt, có dấu hiệu mắc COVID-19 nên mua que về test thì thấy 2 vạch (dương tính). Tôi liền báo lên Trung tâm y tế phường Bình Trị Đông A, đầu dây bên kia nói tôi tự theo dõi chứ không cho tôi xét nghiệm RT-PCR.
Tôi theo dõi đến ngày 20/8 test lại thì 1 vạch (âm tính), ngày 30/8 cũng có kết quả test âm tính. Đến ngày 13/9, tôi có lịch tiêm vắc xin mũi 2 nên đi tiêm. Việc tôi lo lắng nhất hiện tại liệu vắc xin Moderna của mũi 1 có phản ứng với vắc xin Vero Cell tôi vừa được tiêm hay không và tôi có gặp hậu quả nặng nề gì không?
Tiêm nhầm Vero Cell mũi 2, người được tiêm có bị ảnh hưởng?
Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, bác sĩ Ngô An Đạt (bác sĩ tại điểm tiêm Trường tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh) thừa nhận có tiêm nhầm vắc xin Vero Cell cho chị L.
Theo bác sĩ Đạt, chị L. không thông tin trước chị là F0 đã khỏi bệnh, khi biết chị tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna, các bác sĩ đã chỉ định cho chị tiêm mũi 2 Pfizer.
|
Giấy xác nhận tiêm vắc xin Vero Cell của điểm tiêm (Ảnh NVCC) |
“Nhân viên tại điểm tiêm cũng hướng dẫn chị L. đến khu vực tiêm vắc xin Pfizer để chờ tiêm. Tuy nhiên, có thể chị L. thấy khu vực tiêm vắc xin Vero Cell vắng hơn nên đã qua đó, nhân viên không biết nên đã tiêm nhầm" - bác sĩ Đạt nói.
Theo bác sĩ Đạt, trên thực tế, nếu một người tiêm mũi 1 vắc xin Moderna, mũi 2 là loại vắc xin khác, ở đây là vắc xin Vero Cell thì ít gây phản ứng, ảnh hưởng sức khỏe, mà hiệu quả bảo vệ có thể sẽ giảm so với loại vắc xin cùng hãng. Tuy nhiên, chị L. là F0 đã khỏi bệnh 2 tháng thì cơ thể đã có kháng thể.
Bác sĩ Đạt khẳng định, việc tiêm nhầm vắc xin Vero Cell cho chị L. đã được báo cáo lên y tế quận và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM.
Theo các chuyên gia dịch tễ, tiêm vắc xin ngừa COVID-19 để người được tiêm có thêm “lá chắn” bảo vệ mình trước virus gây bệnh. Một số nước trên thế giới đã tiêm trộn mũi 1 vắc xin Moderna, mũi 2 Pfizer và ngược lại. Cũng có thể tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca, mũi 2 Pfizer hoặc Moderna nhưng ngược lại thì hiệu quả không cao.
Trường hợp chị L. tiêm nhầm vắc xin Vero Cell cũng chưa có nghiên cứu nào cho thấy 2 loại vắc xin khác dòng phản ứng với nhau. Kèm theo vắc xin Moderna chị đã tiêm trước đó 1 tháng không bị tác dụng phụ. “Nếu ngay khi vừa tiêm Vero Cell, chị L. không bị sốc phản vệ hay các phản ứng phụ tiến triển nặng thì gần như vắc xin này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe”, chuyên gia này nói.
Do chị L. chỉ nghi ngờ bản thân mình là F0 nên khả năng xảy ra 2 tình huống mũi 2 là Vero Cell có thể làm giảm khả năng bảo vệ trước COVID-19 hơn là Moderna hoặc Pfizer; nếu chị là F0 đã khỏi bệnh trong thời gian dưới 6 tháng tiêm vắc xin mũi 2 sẽ tăng thêm phần nào kháng thể chứ hiếm gây phản ứng với vắc xin Moderna của mũi 1.