Đủ loại thực phẩm khô
Ghi nhận của báo Phụ nữ TP. HCM, năm nay, thị trường thực phẩm khô ngày tết tại TP. HCM đặc biệt sôi động trên các trang mạng, các facebooker bán khô niêm yết rõ ràng về giá cả từng mặt hàng. Từ đây, khách hàng có thể mua tận gốc những sản phẩm khô từ các chủ xưởng thủ công, các lò khô gia truyền được chăm chút sạch sẽ, tươm tất.
Ngoài các loại thực phẩm khô phổ biến như khô sặc, khô cá kèo, cá lóc...còn có sản phẩm đặc biệt là chà bông tôm đất, tôm bạc các loại, giá từ 800.000 đến một triệu đồng/kg.
|
Thực phẩm khô từ cá, mực....được bày bán tràn lan ngoài chợ. Ảnh: Phụ nữ TP. HCM.
|
Nắm bắt thị trường, nhiều người còn sáng tạo ra giỏ quà Tết gồm từ năm - bảy loại thực phẩm khô khác nhau. Theo như nhiều người bán hàng cho biết, năm nay, mặt hàng bán chạy nhất là tôm khô nguyên vỏ. Để làm được loại tôm khô này, nguyên liệu đầu vào chắc chắn là phải tươi nên khách có thể yên tâm về chất lượng sản phẩm, 1kg tôm khô nguyên vỏ thường khá nhiều và nặng tay nên dễ tặng, loại ngon nhất cũng chỉ 650.000đ/kg.
Tại các chợ trên địa bàn TP. HCM, mặt hàng mực khô Campuchia chỉ tăng khoảng 30.000đ/kg, các loại hàng khô khác vẫn giữ giá. Riêng với khô nội, hiện tôm khô loại vừa có giá 700.000đ/kg nhưng đang khan hiếm, nhiều chợ không có hàng; các loại tôm khô lớn hơn thì tăng 20.000đ/kg, riêng khô mực loại 14 con giá 830.000đ/kg, tăng ở mức 60.000đ/kg so với ngày thường. Một số gian hàng khô đặc sản Campuchia được bày bán lộ thiên, kê ngay đường ra vào chợ.
Thực phẩm khô có thể gây ngộ độc
Báo Người Lao động dẫn thông tin từ các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, những con cá khô, những bịch tôm khô đỏ au hay mực khô một nắng... trông thật ngon mắt. Nhưng hãy coi chừng, nhiều loại thực phẩm khô đang được ướp “gia vị” là chất bảo quản, trong đó có không ít loại hóa chất khá độc hại.
Theo một kỹ sư trong ngành chế biến thủy hải sản ở TP. HCM, các loại thủy sản trước khi chế biến đều được xử lý bằng hóa chất. Để khử trùng, tẩy trắng, người ta thường sử dụng clorin, chất này dính vào quần áo có thể gây... rách. Đối với những đơn vị chế biến thủy sản công nghiệp, liều lượng sử dụng được kiểm soát rất chặt chẽ nên sản phẩm bảo đảm an toàn. Nhưng ở những cơ sở nhỏ, chế biến thủ công thì việc sử dụng hóa chất rất tùy tiện, không theo đúng quy định.
Một người trong giới chế biến, kinh doanh thủy hải sản khô khẳng định, nhiều cơ sở sử dụng cồn, oxy già, thậm chí cả... nước tẩy nền nhà P3 để tẩy cá khô bị nấm mốc, nhất là vào mùa mưa.
|
Người tiêu dùng nên thận trọng khi mua thực phẩm khô ngày Tết. Ảnh: Phụ nữ TP. HCM. |
Còn theo một vị bác sĩ của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. HCM cho biết, trong một lần đi công tác miền Tây, ông đã chứng kiến cảnh tiểu thương bán cá khô ở Khu Thương mại Cái Khế (Cần Thơ) dùng một xô nước pha hóa chất giống như nước xà phòng để rửa khô cá lóc bị ẩm mốc.
Theo vị bác sĩ trên, các loại thủy hải sản sau khi chết một vài giờ đã bị phân hủy. Đạm bị phân hủy sẽ tạo ra histamine (là chất chuyển hóa dở dang của chất đạm, thường có trong cá biển). Nếu bảo quản không tốt thì lượng histamine càng nhiều, tạo độc tố cao, con người ăn vào sẽ bị dị ứng ngay.
Lượng histamine trong cá khô thường rất cao. Hơn nữa, trong quá trình phơi sấy, vi sinh, nấm mốc phát triển làm cá khô bị phân hủy, tạo ra “gói độc chất” rất nguy hiểm. Chất này có thể không gây dị ứng ngay tức khắc mà tác hại lâu dài trong 5-10 năm sau, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể con người.
Còn các loại thuốc diệt kiến, diệt ruồi đều rất độc. Nếu thuộc loại gây tê hoặc tác động lên hệ thần kinh, hô hấp (làm cho kiến chết) thì người ăn phải sẽ bị ngộ độc ngay, hoặc tổn thương nhiều bộ phận. Ngay cả các hóa chất được Bộ Y tế cho phép dùng trong chế biến, bảo quản thực phẩm nếu sử dụng quá liều sẽ gây ngộ độc thực phẩm, nguy hiểm hơn là gây bệnh ung thư.