Theo ông Choi, virus corona và các mầm bệnh khác di chuyển hoặc bay vào không khí, trong các giọt như nước bọt hoặc đờm do ho, hắt hơi, nói hoặc thở; hoặc trên bề mặt - có thể lưu lại trên bề mặt của khẩu trang. Người sử dụng liên tục chạm vào khẩu trang để điều chỉnh, di chuyển chúng để gãi mặt và thường xuyên tháo ra, đeo lại. Những hành động đó có thể khiến vi trùng trên bề mặt của khẩu trang xâm nhập cơ thể.
"Thách thức kỹ thuật lớn nhất của khẩu trang phẫu thuật hiện nay và khẩu trang N95 là chúng không thể tiêu diệt virus tồn tại trên bề mặt của chúng, điều này làm tăng nguy cơ lây truyền qua tiếp xúc", ông Choi cho hay.
|
Loại khẩu trang mới có thể vô hiệu hóa loại virus giống corona trong 5 phút. Ảnh minh họa: Internet. |
Với khẩu trang phủ muối hòa tan mà nhóm của ông Choi nghiên cứu ra, khi khẩu trang tiếp xúc một giọt mang theo virus, virus bắt đầu hấp thụ muối. Khi chất lỏng bay hơi, chỉ còn lại virus và muối kết tinh. Theo ông Choi, cấu trúc phân tử của muối là tinh thể với các góc sắc và cứng có thể đâm vào virus, khiến chúng không thể tồn tại.
"Trong các thử nghiệm ở phòng thí nghiệm, virus sẽ bị vô hiệu hóa trong 5 phút và bị diệt sau 30 phút", ông Choi chia sẻ.
Nhóm của ông Choi đã thử nghiệm khẩu trang phủ muối trong phòng thí nghiệm vài năm qua và phát hiện rằng, chúng có thể vô hiệu hóa 3 chủng của virus cúm. Những phát hiện ban đầu này được công bố trong tạp chí Báo cáo Khoa học năm 2017. Nhóm cho rằng công nghệ vô hiệu hóa mầm mệnh có thể cải thiện đáng kể các nỗ lực phòng chống bệnh truyền nhiễm và hy vọng sẽ đưa ra thị trường loại khẩu trang này trong vòng 18 tháng tới.
Dù vậy, mọi thông tin nói trên chỉ mới được đưa ra từ phía của nhóm nghiên cứu ông Choi Hyo-jick.