Cách đây không lâu trên Facebook cá nhân N.B.H có chia sẻ cách nhận biết rau muống bị phun hóa chất.
Theo chia sẻ của chị H. khi vắt chanh vào nước rau muống, nước rau vẫn giữ nguyên màu xanh hoặc chuyển màu ít tức là rau đã bị nhiễm hóa chất “cực độc” còn nước rau muống chuyển sang màu đỏ hoặc vàng là rau an toàn.
|
Chia sẻ của Facebook N.B,H |
“Một chuyên gia hóa học vừa tiết lộ cách phát hiện rau muống nhiễm hóa chất cực thú vị cho các bà nội trợ. Điều đặc biệt là nó không làm tốn kém thời gian và công sức của chị em chút nào, tất cả chỉ cần 1 giây (sau khi vắt chanh vào nước rau muống luộc) là các mẹ đã biết chính xác rau này có an toàn hay không!
Phương pháp này hoàn toàn khoa học nhé các mẹ! Các chuyên gia cho biết, thông thường, khi vắt chanh vào nước rau muống luộc, nước rau sẽ chuyển từ màu xanh sang màu đỏ hoặc màu vàng. Lý do trong nước rau muống có chứa một lượng kiềm Ca(OH)2, chất diệp lục phản ứng như chất chỉ thị màu.
Trong khi nước chanh chứa lượng axit hữu cơ yếu là axit citric khá cao lên đến 8% khối lượng khô trong quả, nên khi vắt chanh sẽ làm thay đổi độ axit của nước rau. Điều này khiến cho màu của nước rau muống chuyển từ xanh sang vàng hoặc đỏ, tùy theo nồng độ axit. Hiện tượng này là hoàn toàn bình thường.
Ngược trở lại, các mẹ lưu ý, với rau muống bị phun thuốc trừ sâu hoặc tăng trưởng, những hóa chất độc hại tồn dư trong thân, lá rau sẽ làm cho nước rau không chuyển màu như trên (nếu có cũng không đáng kể) khi vắt chanh vào. Đây là một trong những dấu hiệu quan trọng nhận biết rau có sạch hay không nhé các mẹ!”, chị H. chia sẻ.
Không những vậy, chị H. cũng chia sẻ thêm bí quyết giúp các chị em lưu ý khi chọn rau để hạn chế tối đa nguy cơ mua phải rau muống nhiễm hóa chất.
“Rau muống nhiễm hóa chất thường giòn hơn và lá thường có màu xanh đen (do hấp thụ nhiều kim loại và chủ yếu là chì). Thân rau muống thường to hơn so với mức bình thường. Khi luộc rau, bạn sẽ thấy nước rau còn nóng có màu xanh nhạt, khi để nguội thì thành màu xanh đen, có vẩy đen kết tủa. Rau bị nhiễm độc chì thường có vị chát chứ không ngọt thơm như rau muống sạch.
Rau muống ngon nhất khi vào đúng vụ tầm tháng 4 đến tháng 6. Theo lời khuyên từ các chuyên gia, người tiêu dùng nên lựa chọn các loại rau quả theo mùa vì chúng dễ phát triển mà không cần nhiều phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật hay chất bảo quản nên sẽ an toàn hơn, nhiều dưỡng chất hơn và giá cả cũng rẻ hơn nữa.
Muốn chọn rau muống ngon, an toàn bạn cần dựa vào một số đặc điểm: rau ngọn nhỏ, nhìn hơi cứng cứng, khi ngắt, cuống rau có vết nhựa loãng. Nếu rau có hiện tượng héo, lá quắt, bạc màu rất có thể đã là rau của ngày hôm qua hoặc rau để lâu chưa bán được thì cũng không nên mua các mẹ nhé!
Để đảm bảo an toàn, các mẹ nên mua ở cửa hàng rau sạch, siêu thị uy tín để lựa chọn được sản phẩm an toàn với sức khỏe của bản thân cũng như là các thành viên trong gia đình.
Đặc biệt, trước khi nấu, bạn nên rửa nhiều lần bằng nước sạch để loại bỏ phần nào hóa chất còn sót lại trên rau...”, chị H. cho hay.
Dòng chia sẻ này của chị H. nhanh chóng nhận được sự chú ý và chia sẻ của mọi người. Tuy nhiên không ít người cũng không đồng ý với phương pháp này bởi rau sạch tự trồng khi vắt chanh cũng vẫn có màu như vậy.
|
Nhiều người không đồng ý với cách phân biệt này bởi rau nhà họ tự tay trồng nhưng nước rau vẫn có màu xanh khi vắt chanh. |
Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm - ĐH Bách khoa HN về vấn đề này. Ông Thịnh khẳng định vắt nước chanh vào nước rau muống luộc hay các loại rau luộc khác không thể nhận biết được rau phun hóa chất hay không.
Lý giải về việc nước rau chuyển màu khi vắt chanh vào, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ nước rau luộc xanh là do trong nước có nhiều chất kiềm, chỉ cần vắt một chút chanh là nước rau thành màu đỏ hoặc mất màu.
|
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Ảnh: Internet) |
“Nước rau nào lá màu xanh khi luộc lên cũng sẽ có màu xanh. Bản chất rau lá màu xanh đều có chlorophyll hay còn gọi chất diệp lục tố. Diệp lục tố có đặc tính nếu trong môi trường axit sẽ chuyển hóa thành chất pheophytin màu xám tro hoặc màu hồng.
Ngược lại nếu để trong môi trường kiềm sẽ biến thành màu xanh. Vì thế nước rau khi luộc sẽ hòa lẫn một ít chlorophyll (diệp lục tố có trong rau), khi vắt chanh vào trong môi trường axit, chlorophyll sẽ chuyển thành pheophytin và nó có màu hồng hoặc màu xám tro.
Nếu muốn cho nước rau màu xanh trở lại chỉ cần biến nó thành môi trường kiềm bằng cách cho thuốc muối mà người ta uống đau dạ dày vào. Màu xanh như cũ sẽ trở lại. Những điều này giống như ảo thuật vậy.
Nếu như luộc rau mà nước rau đỏ chỉ cần cho một ít thuốc muối vào nước rau sẽ thành màu xanh”, PGS.TS Thịnh cho biết.
Ông cũng giải thích thêm về trường hợp nước rau có màu xanh đậm mà mọi người hay thấy.
“Đôi khi nước rau luộc xanh lè trong trường hợp đó cũng là phản ứng hóa học. Bản thân chlorophyll có nhân tố Magie được thay bằng nhân tố khác bền nên sẽ tạo thành Chlorophyllin có màu xanh đậm.
Chính bởi vậy, nếu mọi người thấy nước rau có màu xanh rất đậm là do trong nước có tính vôi nhiều quá (hay cứng nhiều), canxi vào trong vị trí đó biến thành môi trường kiềm làm cho chất diệp lục tố biến thành Chlorophyllin và thành màu xanh đậm, chứ không phải là rau nhiễm thuốc trừ sâu nhiều”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.