Trong những ngày trời rét đậm, rét hại như thế này thì việc được ngồi xì xụp một món ăn ấm nóng thực sự vô cùng lý tưởng.
Thức ăn ấm được chứng minh rằng có thể giúp tiêu hóa dễ dàng hơn, do đó chúng ta sẽ nhận được nhiều dinh dưỡng hơn từ thực phẩm. Chẳng hạn khi cà chua được nấu chín thì lượng lycopene trong chúng sẽ tăng cao vượt trội. Hơn nữa, đồ ấm giúp chúng ta no lâu hơn, ngăn chặn cảm giác thèm ăn và cũng góp phần giúp chúng ta giảm cân.
Tuy nhiên nhiều người đang hiểu lầm giữa đồ ấm và đồ ăn quá nóng. Việc xì xụp một bát canh nóng, một ly cà phê còn nghi ngút khói, hay một nồi lẩu đang sôi... đã là thói quen của đại bộ phận người dân.
Đồ ăn nóng - Tác nhân gây lão hóa thực quản, tăng nguy cơ ung thư
Theo bác sĩ Li Shujun (trưởng khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện Tsinghua Chang Gung ở Bắc Kinh, Trung Quốc): Tiêu thụ đồ quá nóng có thể gây hại cho cả khoang miệng, thực quản lẫn dạ dày.
1. Gây hại khoang miệng
Đồ ăn nóng ngay khi đi vào khoang miệng đã tiếp xúc với răng, lưỡi... và toàn bộ khoang miệng. Chúng có thể gây bỏng và khiến miệng bị tổn thương.
2. Tổn thương, tăng nguy cơ ung thư thực quản
Sau đó đồ nóng sẽ đi qua thực quản. Bề mặt của thực quản được bao phủ bởi các màng nhầy mỏng manh và nhiệt độ của thức ăn có ảnh hưởng lớn đến nó. Đồ ăn từ 10 đến 40 độ C là phù hợp nhất; nóng trên 65 độ C có thể gây bỏng thực quản. Ai cũng nghĩ đồ ăn trên 65 độ thì quá nóng không ai có thể ăn được, nhưng sự thật là một chiếc bánh bao nóng có thể vượt quá nhiệt độ này.
Trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa ra cảnh báo những người uống đồ uống quá nóng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản. Vào năm 2016, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO đã phân loại đồ uống nóng vào nhóm "chất có thể gây ung thư cho con người". Nguyên nhân khiến đồ ăn nóng có thể gây ung thư thực quản có thể là do nhiệt độ cao làm tổn thương tế bào, ảnh hưởng đến môi trường tế bào và trạng thái viêm của nó. Nếu giữa các tế bào có một số đột biến thì khối u có thể hình thành và phát triển nhanh.
3. Tổn thương dạ dày
Cuối cùng, đồ nóng sẽ đi đến dạ dày. Nhiều người chỉ cảm thấy nóng miệng hoặc lưỡi chứ không có cảm giác khó chịu trong dạ dày. Trên thực tế, niêm mạc dạ dày rất mỏng manh, chỉ chịu được nhiệt độ khoảng 40 độ C, nếu thường xuyên ăn đồ nóng sẽ gây bỏng niêm mạc dạ dày và tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
4. Ảnh hưởng khí huyết
Nhiều người nghĩ trời càng lạnh thì càng nên ăn đồ cay nóng để giữ ấm cơ thể nhưng không phải vậy, thậm chí ăn nhiều đồ cay nóng còn ảnh hưởng đến khí huyết. Thay vì ăn đồ nóng, mùa đông mọi người nên sử dụng những thực phẩm thanh đạm như củ cải, ngó sen, bông cải xanh...
Mùa đông nên ăn uống thế nào để vừa giữ ấm cơ thể lại không gây hại?
- Nếu sử dụng trà, cà phê nóng trong mùa đông thì tốt nhất nên chờ đồ uống nguội bớt trong khoảng 50-60 độ C.
- Nếu ăn lẩu thì nên gắp thức ăn ra bát, chờ đồ ăn nguội bớt rồi mới cho lên miệng.
- Với các món nóng như bún, phở thì cũng nên chờ vài phút cho nước dùng nguội bớt rồi mới bắt đầu thưởng thức.
- Trong mùa lạnh cũng nên bổ sung những loại quả giàu vitamin C như cam, quýt để tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ tiêu hóa.
- Trước khi ngủ nên dùng nước ấm ngâm chân và uống nhiều nước ấm mỗi ngày để giữ ấm cơ thể.
- Có thể sử dụng một số thức uống như nước ấm mật ong, nước gừng, trà táo quế... để giữ ấm trong mùa đông.
- Đặc biệt, để cơ thể khỏe mạnh và tinh thần thoải mái vào mùa đông, mọi người hãy kết hợp ăn uống với việc vận động, tập thể dục hợp lý.