Thêm bệnh viện tại TP HCM ghi nhận ca hoại tử xương hàm mặt hậu Covid-19

Google News

Từ đầu năm đến nay, ngoài 11 ca hoại tử xương hàm mặt do Bệnh viện Chợ Rẫy báo cáo, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP HCM tiếp nhận 16 bệnh nhân, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM điều trị 5 ca.

Theo BS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP HCM, Bệnh viện đã tiếp nhận 16 bệnh nhân hoại tử xương hàm trên. Trong đó, 3 trường hợp hoại tử lan lên đến sàn sọ, liên quan nhiều chuyên khoa nên nơi này chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy.

13 trường hợp còn lại được phẫu thuật lấy hết xương hàm trên hoại tử, sau đó dùng kháng sinh tối thiểu ba tuần. Bệnh nhân đang được theo dõi 6 tháng. Nếu tình trạng ổn định, không tái phát, bệnh nhân sẽ được tái tạo, phục hình xương hàm trên. Hiện, các bệnh nhân đều ổn.

Them benh vien tai TP HCM ghi nhan ca hoai tu xuong ham mat hau Covid-19
Trong 11 trường hợp hoại tử xương tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 5 bệnh nhân mắc đái tháo đường. Hầu hết các bệnh nhân đều đã từng mắc Covid-19.  

Còn tại Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM, TS.BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện, cho biết từ đầu năm đến nay, Bệnh viện ghi nhận 5 ca cốt tủy viêm xoang hàm trên. Trong đó, 3 ca kèm theo đái tháo đường, 2 ca bị nhiễm nấm xâm lấn gây cốt tủy viêm xương hàm trên.

Các bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ ổ nhiễm trùng, lấy mô viêm hoại tử, dùng kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh viện không ghi nhận bệnh nhân có mắc Covid-19 trước đó hay không.

Theo BS Tuấn, hoại tử xương hàm thường xảy ra ở hàm dưới vì ít mạch máu nuôi dưỡng hơn xương hàm trên. Nguyên nhân thường do xạ trị ung thư vùng đầu mặt cổ hoặc do dùng thuốc điều trị chống loãng xương.

Một số ít ca hoại tử xương hàm trên vào viện liên quan đến bệnh nhân đái tháo đường, do mạch máu nuôi dưỡng xương bị ảnh hưởng; hoặc bệnh nhân giảm sức đề kháng, dễ bị vi khuẩn, nấm tấn công gây hoại tử xương.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau khi Covid-19 bùng phát, số bệnh nhân khám hoại tử xương hàm trên tăng đột biến, lại không rõ nguyên nhân, khác với trước đây chủ yếu là bệnh nhân khám hàm dưới và rõ nguyên nhân.

Các bệnh nhân đều từng mắc Covid-19, vào viện với các triệu chứng như lung lay cả răng lẫn khối xương hàm, chảy mủ, sưng đau vòm miệng, có những vết loét và lộ xương hàm trên.

BS Nguyễn Văn Tuấn cho biết, y văn thế giới đã đưa ra một số yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ hoại tử xương hàm trên trên bệnh nhân từng mắc Covid-19.

Trong đó, SARS-CoV-2 có thể bám vào thụ thể ACE2 (có nhiều ở niêm mạc mũi, miệng) gây biến chứng mạch máu, có thể khiến tắc mạch máu nuôi xương và việc mắc Covid-19 còn gây tăng đông máu, giảm lưu thông máu gây hoại tử xương.

Việc sử dụng thuốc corticoid (kháng viêm) trong phác đồ điều trị Covid-19 cũng có thể làm việc nuôi dưỡng của xương kém đi. Yếu tố nguy cơ khác là bệnh nhân bị nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, vi nấm.

Những bệnh nhân có bệnh nền, đặc biệt đái tháo đường, càng dễ hoại tử xương.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho rằng, bình thường, môi trường xung quanh có nhiều loại vi sinh vật, khi cơ thể suy giảm miễn dịch như mắc bệnh đái tháo đường, sẽ dễ bị tấn công.

Người bệnh Covid-19 thường bị rối loạn miễn dịch kéo dài, cộng với bệnh nền, tạo cơ hội cho nấm phát triển nhiều hơn trong cơ thể, gây viêm nhiễm. Trong 11 trường hợp hoại tử xương tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 5 bệnh nhân mắc đái tháo đường.

>>> Mời độc giả xem thêm video Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan Covid-19:

(Nguồn: THĐT)

An Quý

>> xem thêm

Bình luận(0)