Thêm 4 người dân S’tiêng ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) đã có các dấu hiệu nhiễm bệnh bạch hầu sau khi thăm người thân mắc bệnh.
Theo đó, các bệnh nhân này có dấu hiệu bị nhiễm bệnh bạch hầu như: sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng dẫn tới khó thở, giọng nói khàn, sổ mũi, hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực…
|
Tăng cường các biện pháp phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Bình Phước. |
Bác sĩ Quách Ái Đức, Phó giám đốc Sở Y tế xác nhận, theo kết quả soi tươi ban đầu, 4 trường hợp ở xã Tân Lợi mới nhập viện đều dương tính với bệnh bạch hầu. Song các bệnh nhân này cần phải thực hiện các quy trình xét nghiệm chuyên sâu mới có kết quả chính xác. Hiện 4 trường hợp ở xã Tân Lợi đã được nhập viện, cách ly điều trị theo phác đồ.
Ông Nguyễn Đức Việt Tựu, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi cho biết: "Sau khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm bệnh bạch hầu, chúng tôi đã báo cáo với cán bộ y tế cấp trên có biện pháp khoanh vùng phòng ngừa bệnh cho người dân. Hiện nay, đại diện Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã vào Thạch Màng phun thuốc phòng chống dịch bệnh, khoanh vùng xử lý và tuyên truyền cho đồng bào cách phòng, chống bệnh để hạn chế lây lan".
Như vậy, sau khi UBND tỉnh công bố dịch bệnh bạch hầu quy mô cấp huyện ngày 15/7 xảy ra trên địa bàn 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú, đến thời điểm này đã có thêm 2 xã xuất hiện bệnh nhân nghi bị bạch hầu là Đồng Tiến và Tân Lợi đều ở huyện Đồng Phú.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu ở nước ta, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vacxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi
Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
Mời các bạn xem video clip: Xuất hiện dịch bệnh bạch hầu ở Gia Lai. (Nguồn: VTC14):