Thêm 12 người phơi nhiễm HIV sau khi cứu nạn tại Kon Tum

Google News

Số người bị phơi nhiễm HIV sau khi tham gia cứu hộ vụ hai xe khách đấu đầu ở Kon Tum trưa 30/6 đã lên đến 36.

Theo thông tin mới nhất của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum, hiện có thêm 12 người, gồm 7 nhân viên y tế, 1 công an và 4 người dân được tư vấn, xét nghiệm sàng lọc và điều trị dự phòng miễn phí sau phơi nhiễm HIV. Đây đều là những người tham gia cứu hộ các nạn nhân vụ tai nạn nghiêm trọng trưa 30/6 trên QL14, thuộc xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, Kon Tum.
TS Hoàng Đình Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), xác định 36 cán bộ y tế, công an và người dân tham gia cấp cứu trong vụ tai nạn xe khách vừa qua đã phơi nhiễm HIV và được điều trị ARV trong vòng 72 giờ. Đây là khoảng thời gian tối ưu mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.
“Hành động tích cực tham gia cấp cứu người bị nạn, bất chấp nguy hiểm là hành động của những người dũng cảm và đầy lòng nhân ái. Đó là nghĩa cử cao đẹp, gương người tốt, việc tốt, luôn được xã hội tôn vinh”, TS Cảnh cho hay.
Ghi nhận và tôn vinh những người tích cực, dũng cảm cứu nạn tại Kon Tum, Bộ Y tế và ngành Y tế tỉnh này đang hỗ trợ họ bằng những việc làm cụ thể như tư vấn, hỗ trợ tâm lý, xét nghiệm và cấp thuốc ARV điều trị dự phòng miễn phí, giải quyết các chế độ chính sách, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Them 12 nguoi phoi nhiem HIV sau khi cuu nan tai Kon Tum
TS Hoàng Đình Cảnh - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) . Ảnh: HQ. 
Cách xử lý khẩn cấp khi bị phơi nhiễm với HIV
Theo TS Cảnh, khi bị phơi nhiễm HIV do tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch của người bị nghi nhiễm HIV, một số bước chung cần được xử trí như sau:
Nếu người bị phơi nhiễm tổn thương da, chảy máu, cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước. Để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, sau đó rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.
Nếu bị phơi nhiễm qua niêm mạc mắt thì rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút. Dùng vòi rửa mắt khẩn cấp nếu có. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi thì rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9%, sau đó xúc miệng bằng dung dịch NaCl 0,9% nhiều lần.
Bước này rất quan trọng nhằm loại bỏ khỏi vết thương phần lớn virus HIV nếu có trong máu. Ngay cả khi da không bị tổn thương mà tiếp xúc trực tiếp với máu cũng cần rửa bằng nước sạch và xà phòng càng sớm càng tốt.
Tiếp theo, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, sàng lọc, đánh giá nguy cơ và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bằng thuốc ARV nếu cần thiết.
Theo Hà Quyên/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)