Các chuyên gia cho biết, cúm A/H1N1 là một bệnh cúm thông thường nên rất nhiều người vẫn chủ quan. Người dân cần phải đề cao phòng bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.
|
(Ảnh minh họa) |
Trước đó đã có nhiều người tử vong do cúm A/H1N1 ở nhiều tỉnh khác nhau cũng được xác định trong năm nay. Cụ thể, ngày 26/6, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM xác nhận một trường hợp tử vong do cúm A/H1N1, người này bị bệnh nền tiểu đường.
Tiếp đó là một phụ nữ làm nghề nội trợ ở quận Thủ Đức, TPHCM mắc cúm A/H1N1 bị vong trên nền béo phì. Tại tỉnh Vĩnh Long cũng đã có một trường hợp tử vong do cúm A/H1N1…
Theo các chuyên gia, ở TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam thời điểm này là mùa mưa, nên người dân thường bị cúm mùa. Cúm A/H1N1 này cũng là một dạng cúm mùa nên không cần quá lo lắng, nhưng vẫn phải tự đề cao phòng tránh để khỏi bị lây lan ra cộng đồng.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết: cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm do virus H1N1 gây nên, có thể lây gián tiếp khi bàn tay tiếp xúc với một số đồ vật, bề mặt bị dính chất dịch có chứa vi rút sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng...
Đặc biệt, ở những nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, nhà trọ... bệnh càng dễ lây lan.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu người bệnh có những triệu chứng về đường hô hấp thì nên ho vào khuỷu tay, sử dụng khăn giấy, khăn tay, đeo khẩu trang để tránh lây lan ra cộng đồng.
Cúm A/H1N1 có nguy cơ tử vong đối với những cơ địa đặc biệt, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết: “Cúm xuất hiện từng năm, nếu phòng ngừa lơ là, đến mùa thì hiện tượng vẫn xảy ra, nên mình phải có thói quen mang khẩu trang, rửa tay. Cả kể khi hết bệnh nhưng đến mùa vẫn có thể quay lại. Nếu gia đình có điều kiện thì nên chích ngừa, đặc biệt là những người tình trạng miễn dịch kém”./.