Tôi lập gia đình từ năm 26 tuổi, đến nay đã có 1 cậu con trai 6 tuổi. Hai vợ chồng tôi đều là nhân viên văn phòng, lương không quá cao, nên gọi là đủ ăn, đủ mặc.
Vì mẹ chồng khó tính lại hay vô cớ kiếm chuyện nên tôi cố gắng làm ăn, tích góp để ra ở riêng. Thế nhưng cũng vì thế mà mẹ chồng ngày càng có ác cảm với tôi.
Đã thế từ hồi lấy nhau về, chồng tôi vẫn trẻ con, không chịu trưởng thành để lo toan cho gia đình. Trong khi tôi đầu tắt mặt tối với công việc rồi lại đến chăm lo gia đình, thỉnh thoảng kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập thì anh chỉ biết đi làm rồi dành thời gian cho những thú vui của riêng mình. Đã không biết bao lần tôi khóc vì bất lực trước thái độ thờ ơ, ích kỷ của chồng mà anh vẫn chứng nào tật nấy.
Cách đây mấy hôm, mẹ chồng tôi sang nhà chơi và có vô tình nhìn thấy tờ giấy phân công việc nhà của gia đình. Chưa kịp đọc nội dung và cũng không cần biết cuộc sống chúng tôi như thế nào, mẹ chồng đã lớn tiếng trách mắng tôi không biết vun vén cho gia đình, bắt nạt chồng con.
“Chị giỏi rồi, leo lên đầu, lên cổ chồng rồi. Chị phân công công việc trong nhà như đúng rồi ý, chị đối xử với chồng chị như thế đấy hả? Nói động đến chị thì chị cứ trơ cái mặt ra, chị thử nhìn lại mình xem làm vợ như thế đã được chưa?”, mẹ chồng trách tôi.
Nói xong, mẹ chồng cũng đi thẳng ra khỏi nhà, không thèm nghe tôi giải thích như thế nào. Quá bất lực, tôi ngồi gục xuống ghế và ôm mặt khóc. Lúc này, cậu con trai từ trong phòng bước ra, an ủi: “Mẹ ơi, mẹ đừng khóc”. Tôi cố trấn tĩnh bảo con: “Mẹ có khóc đâu, sao con không ở trong phòng chơi?”.
Bỗng nhiên con ôm tôi và thủ thỉ: “Mẹ ơi, con bảo nhá. Có phải bố mẹ cãi nhau rồi sẽ bỏ nhau không? Mẹ đừng mắng bố nữa nhé. Bố với mẹ mà bỏ nhau thì con sẽ nuôi mẹ”.
|
Ảnh minh hoạ |
Điều con nói khiến tôi cay mắt hơn nhưng không dám khóc nữa. Đến một đứa trẻ con mới có 6 tuổi mà còn biết nghĩ cho bố mẹ, cho gia đình như thế... Vậy nên tôi vội nói với con: “Bố mẹ không bỏ nhau. Chỉ là bố mẹ cãi nhau một chút rồi sẽ hết thôi mà. Mẹ yêu bố, yêu con nên sẽ không bỏ ai hết, con hiểu không? Vì thế nên con không cần lo nhá”.
Đúng là gia đình nào cũng có những mâu thuẫn, xích mích chẳng lớn thì nhỏ nhưng hơn tất cả, chúng ta đều muốn hy sinh cho con cái, để con được trưởng thành trong một tổ ấm hạnh phúc và tràn đầy tình yêu thương.