Thuốc thiếu, thuốc thừa, kê đơn “loạn xạ”
Đây là vụ việc mới nhất tại Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội mới bị các cơ quan báo chí phanh phui. Theo đó, một số cán bộ, nhân viên khoa dược, BV Thanh Nhàn cho biết, tình trạng “thuốc thiếu, thuốc thừa” diễn ra từ cuối năm 2011 và thể hiện rõ nhất vào cuối năm 2012 vừa qua. Qua hồ sơ, tài liệu mà các cán bộ, nhân viên này cung cấp cho thấy, do BV dự trù mua thuốc không sát với thực tế nên đã dẫn đến tình trạng có loại thuốc không đủ để dùng, có loại thuốc lại thừa, phải dùng quá nhiều dẫn đến việc kê đơn thuốc không an toàn.
|
Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội |
Ví dụ, loại thuốc corticoid dạng tiêm truyền, nhu cầu sử dụng của bệnh viện này mỗi tháng khoảng 1100 lọ, thế nhưng lãnh đạo khoa dược xác nhận loại thuốc nói trên luôn trong tình trạng không có và cũng không có thuốc thay thế.
Trong khi đó, có khoảng 272 loại thuốc được nhập về quá nhiều dẫn tới tồn kho. Đại diện lãnh đạo khoa dược phản ảnh: vì thuốc tồn kho nhiều ( năm 2012 tồn khoảng 20 tỉ tiền thuốc) nên đầu năm 2013 Ban giám đốc đã “hò” tất cả các khoa dùng thuốc.“Đắc lực nhất trong việc sử dụng thuốc tồn kho là khoa khám bệnh. Những mặt hàng thuộc nhóm thuốc beta như Dorocardyl 40mg (propranolol) đều được các bác sỹ kê cho bệnh nhân từ 100 – 200 viên/ tháng (nhưng bệnh nhân chỉ dùng 1 viên/ ngày). Theo quy chế kê đơn thì các bệnh nhân mãn tính được cấp thuốc trong vòng 1 tháng. Các bệnh nhân được BHYT hỗ trợ thuốc chỉ được 30 viên, nếu vượt quá thì bệnh nhân phải bỏ tiền ra mua theo đơn của bác sỹ. Thế nhưng để “giải phóng thuốc tồn kho”, các bác sỹ đã kê đơn cho bệnh nhân thành 200 ngày.
Theo phản ảnh của khoa dược BV Thanh Nhàn, không chỉ để xảy ra tình trạng “thuốc thừa, thuốc thiếu” mà ngay cả hoạt động cung ứng, đấu thầu thuốc tại BV cũng “có vấn đề”.
Hiện sự việc đã được báo cáo lên lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, và Thanh tra Sở Y tế cũng đã có kết quả bước đầu về sự việc này, tuy nhiên kết luận cuối cùng hiện vẫn chưa được cơ quan chức năng công bố.
Căng băng rôn để đòi quyền lợi
Sự việc này diễn ra vào đầu tháng 8/2013. Theo đó, ngày 1/8/2013, có gần chục người mặc áo blue đã căng băng rôn đứng trước điểm khám bệnh của bệnh viện Thanh Nhàn để đòi quyền lợi. Trên các băng rôn này ghi: “Yêu cầu bệnh viện Thanh Nhàn khẩn cấp đối thoại, chấm dứt hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, chà đạp trắng trợn quyền và lợi ích của doanh nghiệp”…
Được biết, nhóm người mang băng rôn ra căng trước Bệnh viện Thanh Nhàn là nhân viên của Công ty TNHH kinh doanh và dịch vụ thiết bị y tế Đ-Y33 (Công ty Đ-Y33). Công ty này là đối tác lâu năm của Bệnh viện Thanh Nhàn và hai bên đã ký kết các hợp đồng cho thuê thiết bị y tế theo chủ trương xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực y tế.
Nhưng, do có một số mâu thuẫn và cách giải quyết chưa hợp lý trong việc thuê và tiếp tục hợp đồng cho thuê các loại máy móc và vật tư y tế giữa 2 bên nên đã xảy ra sự việc trên.
|
Căng băng rôn đòi quyền lợi trong bệnh viện Thanh Nhàn |
Cụ thể, công ty Đ-Y 33 và bệnh viện Thanh Nhàn đã ký 03 hợp đồng về việc, cho thuê hệ thống máy phẫu thuật nội soi, cho thuê máy chụp cắt lớp vi tính – siêu âm – X quang kèm vật tư và hóa chất tiêu hao, cho thuê máy chụp cộng hưởng từ, X quang kỹ thuật số kèm vật tư cùng hóa chất tiêu hao. Tất cả các hợp đồng cho thuê trên có thời gian thực hiện là 10 năm kể từ ngày ký. Nhưng, do công tác sửa chữa, nâng cấp bệnh viên Thanh Nhàn, nên bệnh viện đã thanh lý hợp đồng thuê máy với công ty Đ-Y33.
Tuy nhiên, trong văn bản này không đề cập đến bất cứ giải pháp, phương án bồi thường thiệt hại nào cho Công ty Đ-Y33 trong trường hợp thanh lý hợp đồng. Công ty Đ-Y33 tiếp tục đề nghị tổ chức một cuộc họp với bệnh viện Thanh Nhàn trước ngày 12/7/2013 để giải quyết vấn đề nhưng khi thời hạn này trôi qua, bệnh viện Thanh Nhàn vẫn không có bất kỳ phản hồi nào.
Bức xúc trước cách hành xử này, nhóm cán bộ, công nhân viên công ty Đ-Y 33 đã tổ chức căng băng rôn trước khu khám bệnh của bệnh viện để yêu cầu một cuộc đối thoại minh bạch trên tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hai bên. Đồng thời có đơn kiến nghị khẩn cấp tới các cơ quan chức năng.
Giám đốc bệnh viện bị truy sát
Sự việc diễn ra vào tháng 3/2013, trong lần đi công tác qua địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn bất ngờ bị một đối tượng đeo khẩu trang, cầm dao tông chém tới tấp vào người gây thương tích nặng.
Sau vài ngày điều tra, cơ quan công an đã bắt được hung thủ gây án, theo lời khai của hung thủ, vụ chém người này là hoàn toàn do mâu thuẫn cá nhân và lợi ích kinh tế.
Theo cơ quan điều tra, người liên quan trong vụ án này là Nguyễn Quang Đạt (SN 1960, ở Đống Đa, Hà Nội) là Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh và Dịch vụ thiết bị y tế ĐY33. Năm 2004, công ty này trúng thầu cung cấp nhiều dịch vụ tại Bệnh viện Thanh Nhàn gồm một số dịch vụ của nhà tang lễ như gửi xe, xe tang, dịch vụ kỹ thuật cao gồm chụp cộng hưởng từ, X quang, siêu âm...
Công ty ĐY33 đầu tư 7 xe ô tô phục vụ hoạt động vận chuyển tại nhà tang lễ của bệnh viện, trong số 7 xe thì có 2 xe là của Ngô Quang Dũng (SN 1975, ở quận Đống Đa, Hà Nội).
Khi ông Đào Quang Minh được bổ nhiệm chức Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, ông tiến hành thực hiện một số cải cách trong quản lý nhằm hiện đại hóa bệnh viện. Lúc này lợi ích kinh tế của công ty Đạt bị giảm sút nên Đạt kể chuyện với Ngô Quang Dũng. Nghe xong Dũng liền nói sẽ xử lý ông Minh.
Dũng đã thuê Đỗ Đức Thụ (sinh năm 1976, ở Phú Thọ), Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1994, ở Phú Thọ) và Nguyễn Văn Việt (Phú Thọ) rồi lên kế hoạch hành động xử lý ông Minh, như đã nói ở trên.
Ngoài một số vụ việc trên, bệnh viện Thanh Nhàn còn liên quan đến khá nhiều bê bối khác trong bệnh viện như: Chia phần trăm “từ nhà xác tới nhà ăn” hay phá trung tâm dinh dưỡng, đốn cây xanh xây “chuồng thú” …