Liên quan đến vụ việc "thuốc thiếu, thuốc thừa" tại Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội, chiều 5/9, phóng viên đã liên hệ với Thanh tra Sở Y tế Hà Nội về vụ việc này và được xác nhận: sự việc tại Bệnh viện Thanh Nhàn là có thât.
Trao đổi với Báo điện tử Kiến Thức về vấn đề "lùm xùm" xung quanh việc mua bán thuốc tại Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội xác nhận, có sự việc đó xảy ra ở Bệnh viện Thanh Nhàn, hiện Thanh tra sở Sở Y tế đang hoàn thiện hồ sơ về vấn đề này để báo cáo Lãnh đạo Sở, UBND Thành phố, và sẽ có thông báo đến các cơ quan báo chí vào tuần tới.
Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã thông báo kết quả xác minh đơn thư số 179 về “Tình hình cung ứng và sử dụng thuốc tại BV Thanh Nhàn”, theo đó: Nội dung phản ánh có mặt hàng thuốc thiếu, mặt hàng thuốc thừa, lúc không đủ để dùng, lúc dùng quá nhiều là đúng. Đồng thời, Sở Y tế cũng xác nhận việc bệnh nhân cấp cứu nhưng phải mua thuốc ngoài vì thuốc bệnh viện không đủ là có. Hơn nữa, công tác thanh tra cũng đã xác nhận việc bệnh viện Thanh Nhàn kê đơn thuốc không hợp lý, không an toàn là có thực.
|
Thông báo xác minh đơn thư phản ánh những sai phạm của bệnh viện Thanh Nhàn trong hoạt động cung ứng, sử dụng thuốc của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội |
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chánh Thanh tra cho biết thêm, trên cơ sở kết quả nội dung báo cáo phản ánh tình hình cung ứng và sử dụng thuốc tại bệnh viện Thanh Nhàn, Thanh tra Sở đã đề xuất Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các phòng chức năng của Sở và BGĐ Bệnh viện Thanh Nhàn sớm khắc phục, xử lý ngay những nội dung báo cáo phản ánh sai phạm và tổ chức kiểm điểm những tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai phạm như trên…
Trước đó, các cán bộ và nhân viên Khoa Dược, Bệnh viện Thanh Nhàn phản ánh, tình trạng "mập mờ" trong việc mua, bán và sử dụng thuốc đã xảy ra từ năm 2011 và thể hiện rõ nhất vào cuối năm 2012. Theo đó, Bệnh viện đã dự trù mua thuốc không sát với thực tế nên đã dẫn đến tình trạng có loại thuốc không đủ để dùng, có loại thuốc lại thừa, phải dùng quá nhiều dẫn đến việc kê đơn thuốc không an toàn.
Ví dụ như loại thuốc corticoid dạng tiêm truyền, nhu cầu sử dụng của bệnh viện này mỗi tháng khoảng 1.100 lọ, thế nhưng lãnh đạo Khoa Dược xác nhận loại thuốc nói trên luôn trong tình trạng không có và cũng không có thuốc thay thế.
Trong khi đó, có khoảng 272 loại thuốc được nhập về quá nhiều dẫn tới tồn kho. Đại diện lãnh đạo khoa dược phản ảnh: vì thuốc tồn kho nhiều (năm 2012 tồn khoảng 20 tỉ tiền thuốc) nên đầu năm 2013 Ban giám đốc đã “hò” tất cả các khoa dùng thuốc.
“Đắc lực nhất trong việc sử dụng thuốc tồn kho là khoa khám bệnh. Những mặt hàng thuộc nhóm thuốc beta như Dorocardyl 40mg (propranolol) đều được các bác sỹ kê cho bệnh nhân từ 100 – 200 viên/ tháng (nhưng bệnh nhân chỉ dùng 1 viên/ ngày). Theo quy chế kê đơn thì các bệnh nhân mãn tính được cấp thuốc trong vòng 1 tháng. Các bệnh nhân được BHYT hỗ trợ thuốc chỉ được 30 viên, nếu vượt quá thì bệnh nhân phải bỏ tiền ra mua theo đơn của bác sỹ. Thế nhưng để “giải phóng thuốc tồn kho”, các bác sỹ đã kê đơn cho bệnh nhân thành 200 ngày…
|
Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội |
Cũng theo phản ánh từ phía Khoa Dược của bệnh viện, tình trạng bất hợp lý không chỉ xảy ra trong việc “thuốc thiếu, thuốc thừa”, mà ngay trong quá trình cung ứng, đấu thầu thuốc cũng có vấn đề.
Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Bế Thị Ái Việt, Trưởng khoa Dược BV Thanh Nhàn cho biết, mặt hàng thuốc mua theo tên biệt Dược (chỉ định thầu) Rigofin 1g, BV Thanh Nhàn mua với giá 82.000 đồng/lọ, cao hơn nhiều so với giá thuốc này trúng thầu tại Bắc Giang (67.500 đồng/lọ), BV Bạch Mai (62.160 đồng/lọ). Vì việc này mà với số lượng mua năm 2012 của BV Thanh Nhàn số tiền chênh lệch cao hơn so với kết quả trúng thầu của Bắc Giang là 518.607.000 đồng và so với kết quả trúng thầu của Bạch Mai là 709.597.440 đồng.
Trong khi đó, Thông tư 10/2007/TTLT-BYT-BTC của liên bộ Y tế, Tài chính quy định: “Giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu của các mặt hàng thuốc không được cao hơn giá tối đa của các mặt hàng thuốc đó được công bố tại thời điểm gần nhất của Bộ Y tế. Trong trường hợp, những mặt hàng thuốc chưa được công bố giá tối đa, khi xây dựng kế hoạch đấu thầu, các đơn vị phải tham khảo giá những mặt hàng thuốc đã trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế công lập do Cục Quản lý Dược Việt Nam cập nhật và thông báo trên trang thông tin điện tử của ngành y tế- website của Cục Quản lý Dược Việt Nam”.