Tại sao chỉ phụ nữ là phải… 'giữ chồng'?

Google News

Từ bao giờ phụ nữ và cả đàn ông đều mặc định rằng: phụ nữ là phải lo giữ chồng mà không phải là cả hai cùng phải “giữ” nhau?”.

Sao em ốm lâu thế?
Kiều Nga, một phụ nữ 7x trưởng thành và độc lập. Cô lấy chồng khá muộn, khi đã ngoài 30! Anh chồng kém 2 tuổi, và theo lý giải thì cô như bị chồng “bắt vía” bởi cứ nhịn, cứ chiều thành nếp lúc nào không hay. Với anh chàng ấy, phụ nữ là phục tùng và chăm sóc chồng con… tận miệng, không bạn bè, không có cuộc sống ngoài gia đình.
Tai sao chi phu nu la phai… 'giu chong'?
Ảnh minh họa. 
Thời gian đầu, cô thấy những khắt khe, gia trưởng ấy đều có thể thu xếp ổn thỏa, chỉ cần gia đình yên ổn, những ghen tuông là vì… yêu! Cho tới thời gian gần đây, khi cô làm phẫu thuật mắt, phải tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi, anh chồng mới gọi là có chút thu xếp nấu cơm, giặt đồ cho vợ. Nhưng đến ngày thứ ba, thứ tư, không kìm được lòng, anh hỏi một câu: “Sao em ốm lâu thế?”.
Câu hỏi vô cảm ấy cũng giống như khi anh chồng về tới nhà buổi chiều, là cô phải cơm ngon canh ngọt sẵn sàng, dù đang làm gì. Buổi chiều đó, cô đã dọn cơm ra mâm rồi tất tả chạy lên tắm cho hai bé con vì sợ lạnh. Tới khi xong xuôi, cô đi xuống, anh chồng vẫn điềm nhiên ngồi cạnh mâm cơm xem ti vi. Cô hỏi: “Ơ, sao anh chưa ăn đi?”, chồng đáp: “Anh đợi em lấy bát đũa”. Nghĩa là vợ vội quá, mâm cơm còn thiếu bát đũa nên anh chồng kiên trì đợi vợ lấy đủ mới chịu ăn cơm.
Tâm Phan, một cô gái Hà Nội, trước đây cô đã từng yêu mối tình đầu 5 năm, những tưởng hôn nhân là chuyện chỉ đợi cả hai ổn định công việc. Thế nhưng, trong thời gian sống cùng nhau ở Sài Gòn, ngày ấy cứ cuối tuần, người yêu làm công trình từ xa về kéo theo cả đám bạn nhậu nhẹt, say khướt và rồi bỏ lại đống bát đũa cùng đám bạn đi chơi.
Cô quần quật dọn dẹp, giặt núi đồ công trình người yêu mang về vứt đó mà không cần biết cô phải vất vả ra sao, cũng như những ngày tiếp sau cô sẽ sống bằng gì. Sau ba tháng như thế, vào một ngày anh người yêu lại vô tâm như cả trăm ngày trước đó, cô đã ào ra phố một mình, trong ngày lễ mùng 2/9 rực cờ hoa. Và mối tình 5 năm tưởng như êm đẹp cũng kết thúc ở đó.
Những trường hợp trên, rất tiếc không phải là con số nhỏ. Và có lẽ, với không ít chàng trai, những người đàn ông như thế, họ vĩnh viễn không thể hiểu được, tại sao tình yêu vào một ngày bỗng biến mất trong tim người phụ nữ của họ, từ những điều như hiển nhiên, như không là gì to tát ấy. Nhưng phụ nữ, họ không phải là cái máy giặt, càng không phải là cái gối ôm quẩn quanh trong nhà. Phụ nữ, họ vô cùng mạnh mẽ và cũng vô cùng yếu mềm, họ làm được nhiều việc ngoài sức tưởng tượng, chỉ khi họ cảm nhận đủ yêu và thương.
Khi đạo diễn Lê Hoàng đặt câu hỏi “Chồng có quan trọng không?” đã khiến nhiều người kinh ngạc. Vậy hãy xem xét thiên hạ lấy chồng với mục đích gì? Nói một cách thẳng thắn, nói một cách không khoan nhượng và không chút màu mè, phần lớn các cô gái muốn lấy chồng để dựa dẫm. Cô thì dựa dẫm vào tiền bạc.
Điều này nghe tự ái quá nhưng sự thật vẫn cứ là sự thật, chả thế mà các ông tỷ phú lúc nào cũng dễ lấy vợ bất kể tuổi tác ra sao và sức khỏe cũng như đạo đức thế nào. Không dựa dẫm về tiền bạc thì dựa dẫm vào trí tuệ. Vậy nên theo đạo diễn Lê Hoàng, chồng là quan trọng với các cô yếu ớt, không tự lập hoặc không thích tự lập, quen dựa dẫm, còn chả quan trọng lắm với những cô gái tự có được niềm vui cho bản thân.
Cho nên cái luận điệu lấy chồng là hạnh phúc, là quan trọng nhất trong đời thiếu nữ chắc chắn do đàn ông tung ra chứ không phải ai khác. Nhưng đàn bà lại vớ lấy điều ấy và cho nó là của mình vì họ tưởng như thế có lợi cho họ.
Cùng em đi hết ánh trăng này
Thực ra khi đặt câu hỏi “Chồng có quan trọng không?”, Lê Hoàng không muốn hạ nhục đàn ông và các ông chồng mà chỉ muốn các thiếu nữ biết giá trị của bản thân mình hơn, hiểu rằng mình là quan trọng nhất với bản thân mình chứ không phải một anh Từ Hải, một anh Mã Giám Sinh hay một anh Sở Khanh nào đó. Và nếu chồng không tốt, không xứng đáng thì cũng chẳng nên ôm vào cho tới tận cuối đời, dù là vì ai.
Và trên các diễn đàn, cũng rất nhiều chị em đồng tình rằng không việc gì phải giữ chồng khi chồng không xứng đáng. Một chị bày tỏ: “Các bạn có bao giờ tự hỏi một mối quan hệ mà không ai muốn giữ nhau nữa, anh đi sớm về khuya cặp bồ với ai mặc kệ, cô ăn chơi nhảy múa thoát y ở đâu tôi không quan tâm, ai lo thân người ấy, cứ đọc sách đi spa, cứ đẹp cứ vui mà vui kiểu một mình mình vui, thì nó có còn là một mối quan hệ “sống” nữa không?
Vậy ở với nhau chi cho mệt, ở một mình đi. Vợ chồng không phải tự dưng mà đến được với nhau. Phần nhiều là cũng đi qua thử thách, qua gian khó, qua cả những đau khổ, qua thời gian có khi qua cả những hoạn nạn. Kiếp trước còn có duyên kiếp sau có khi còn có nợ. Có thứ gì ta khó nhọc, trả giá mới có được mà ta lại thờ ơ không giữ gìn không?”.
Lại có những người phụ nữ nói vì sao phải giữ chồng, vì đàn ông có là đồ vật đâu mà giữ. Chồng có linh hồn, có tình cảm, có chân đi muốn giữ mà được sao. Hiểu được điều này, đàn bà sẽ thôi biến ông chồng thành vật sở hữu, tước đoạt tự do của người đàn ông, nhăm nhăm đến cảm xúc của mình mà bất chấp cảm xúc của đối phương...
Phụ nữ có chồng, để được yêu, được thương chứ không phải để độc hành trong tình yêu vô cảm. Đàn ông, cần được trân trọng chứ không phải để kiểm soát. Và điều quan trọng, tình yêu, luôn cần có điều kiện, đó là cùng vun đắp, cùng tận tụy vì nó, là luôn trân quý “nắm tay nhau thật chặt, giữ tay nhau thật lâu” để “luôn cùng nhau đi hết ánh trăng này”…
Theo Miên Thảo/Báo Pháp Luât

>> xem thêm

Bình luận(0)