|
Ảnh minh hoạ: Internet. |
Theo thông tin mới cập nhật, bệnh bạch hầu vừa mới được phát hiện trở lại tại Kon Tum sau hơn 10 năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn khá nguy hiểm nếu có biến chứng, hiện nay bệnh cực kỳ hiếm gặp do đã có vắc-xin phòng ngừa.
Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn truyền nhiễm có khả năng gây tử vong chủ yếu ảnh hưởng mũi, cổ họng, đôi khi ở da và có thể gây tử vong. Các vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân chính gây ra bệnh bạch hầu.
Khi mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân thường sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng giống như viêm amidan, dẫn tới khó thở, đau họng dẫn tới chán ăn. Ho, giọng nói khàn, sổ mũi, hơi thở hôi. Da trở nên sạm đen, hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực. Sau khi xuất hiện triệu chứng khoảng 2-3 ngày, ở trong họng, thanh quản, mũi xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Màng giả bạch hầu này dai, dính và khi bóc màng giả sẽ gây chảy máu. Khi đó, màng giả có thể có màu xám hoặc đen. Tuỳ từng vị trí vi khuẩn phát sinh mà bệnh có những biểu hiện lâm sàng khác nhau:
Bạch hầu mũi: Như là một trường hợp viêm đường hô hấp, đặc biệt có chảy mũi nước và triệu chứng toàn thân nghèo nàn, dần dần chất dịch mũi trở nên nhầy quánh và đôi khi có máu và làm tổn thương bờ môi trên, hơi thở hôi. Thăm khám sẽ thấy một màng trắng trong hốc mũi. Bệnh thường gặp ở trẻ còn đang bú mẹ.
Bạch hầu họng - Amiđan: Thường gặp hơn cả, chiếm khoảng 1/2 đến 2/3 trường hợp. Người bệnh chán ăn, bất an, sốt nhẹ, viêm họng. Trong vòng 1- 2 ngày màng giả xuất hiện. Hạch bạch huyết vùng cổ phản ứng có khi phù nề vùng mô mềm của cổ rất trầm trọng tạo thành triệu chứng được gọi là dấu cổ bò “Bull neck”. Đây là biểu hiện nặng, có khi gây xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hoá và tiểu ra máu. Nếu tình trạng này kéo dài trong vài ngày sẽ nhanh chóng chuyển sang nhiễm độc nặng và bệnh nhân tử vong.
Bạch hầu thanh quản: Bệnh nhân thở dữ dội, tiếng rít thanh quản, khàn giọng. Phản xạ co kéo trên xương ức, thượng đòn và khoảng gian sườn rất dữ dội. Thỉnh thoảng xuất hiện khó thở đột ngột do tắc nghẽn vì một phần màng giả bóc ra bít đường thở gây tử vong.
Khi phát hiện trẻ nhiễm bệnh, cha mẹ cần chú ý thực hiện các biện pháp ngừa biến chứng do độc tố của vi khuẩn gây ra. Bệnh nhân cần được tiêm ngừa kháng độc tố bạch hầu (Serum Anti Diphtheriae- SAD) để trung hòa độc tố của vi khuẩn, ngăn ngừa độc tác động lên tim, thận và hệ thần kinh. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh phù hợp để trị dứt điểm.
Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm văcxin cho trẻ 3 lần từ khi mới sinh ra, mỗi lần cách nhau một tháng. Sau một năm thì tiêm nhắc lại, sau 5 năm nhắc lại một lần nữa. Bác sĩ Bảo khuyên bệnh nhân khi bị viêm họng và các triệu chứng trên nên đi khám sớm. Nếu thầy thuốc phát hiện có lớp màng giả màu trắng ở vòm họng nghi ngờ bị bệnh bạch hầu sẽ chỉ định tiêm ngừa kháng độc tố để ngăn ngừa biến chứng.