1. Không nên ngâm vào nước nóng
Khi dùng mộc nhĩ, nhiều người thường ngâm nó vào trong nước nóng, mộc nhĩ sẽ trương nhanh hơn, nhưng thực ra làm vậy là không tốt. Bởi. mộc nhĩ là loại thực vật chứa nhiều nước, sau khi khô nó trở nên cứng. Lúc chế biến, nên lấy nước lạnh ngâm cho mộc nhĩ nở từ từ để khôi phục lại trạng thái ban đầu.
Nếu không phải dùng gấp, bạn nên ngâm trong nước lạnh từ 3-4h là tốt nhất. Một kg mộc nhĩ khô, sau khi ngâm nước lạnh sẽ cho 3,5-4,5 kg, ăn vừa giòn lại vừa ngon. Nếu dùng nước nóng ngâm, thì mỗi kg khô chỉ được 2,5-3kg, khi ăn thấy dính nhớt không ngon.
|
Ảnh minh họa. |
2. Không nên dùng mộc nhĩ tươi
Trong mộc nhĩ tươi có chứa một chất cảm quang, rất mẫn cảm với ánh sáng, sau khi ăn, qua sự chiếu xạ của ánh sáng mặt trời có thể gây ra bệnh viêm da. Bị bệnh này tất cả các phần lộ ra của cơ thể đều bị ngứa, sưng mọng lên, hô hấp khó khăn. Với mộc nhĩ sau khi phơi khô, chất cảm quang tự nhiên mất đi, độc tính cũng biến mất, ăn vào không còn gì nguy hại nữa.
3. Không ăn mộc nhĩ khi ngâm lâu
Mộc nhĩ đến tay người tiêu dùng là sản phẩm khô, khi sử dụng cần được ngâm vào nước lạnh để mềm và nở ra như trạng thái ban đầu. Mộc nhĩ nói riêng và các loại thực phẩm khô nói chung khi ngâm vào nước sẽ giúp hòa tan độc tố và làm cho thực phẩm an toàn hơn. Nhưng, ngâm quá lâu sẽ khiến mộc nhĩ biến chất, có nguy cơ gây ngộ độc.
Mộc nhĩ ngâm lâu sẽ bị biến chất do chất đạm bị thủy phân cũng giống như thịt để lâu bị thối, khiến cho vi khuẩn dễ tấn công, gây ra nhiễm khuẩn. Ăn phải mộc nhĩ nhiễm khuẩn nguy cơ ngộ độc là rất lớn. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Ở mức nặng có thể gây hôn mê phải nhập viện cấp cứu.
Để an toàn cho sức khỏe chỉ nên ăn mộc nhĩ khô được ngâm trong nước lạnh từ 15-20 phút, rửa sạch, cắt chân trước khi chế biến.