Gõ bàn phím quá mạnh
Nhiều người thường gõ bàn phím rất mạnh, đặc biệt là khi họ cần soạn thảo văn bản gấp. Tuy nhiên, hành động này làm tăng áp lực lên ngón tay, dẫn đến căng thẳng, đau hoặc mệt mỏi.
Lặp đi lặp lại việc này nhiều lần sẽ làm ảnh hưởng lớn tới cơ và xương khớp, dẫn tới việc đè nén các dây thần tinh, làm đau, mỏi nhức ở cổ tay, cánh tay.
Không những thế, việc lặp lại tư thế đánh máy nhanh trong thời gian dài sẽ dẫn đến cơ bắp, dây chằng bị tổn thương do không được nghỉ ngơi. Người sử dụng máy tính có thể gặp cá triệu chứng như sưng, cứng khớp, yếu và tê tay.
Ngoài ra, còn rất nhiều thói quen khác cũng đang âm thầm phá hoại sức khỏe của dân văn phòng.
Ngồi vắt chéo chân
Đây là thói quen của nhiều chị em. Khi diện các loại váy, việc vắt chéo chân tạo ra một tư thế ngồi thanh lịch, duyên dáng, tuy nhiên nó lại làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Ngồi vắt chéo chân quá lâu sẽ làm giảm quá trình lưu thông máu, tổn thương mô.
Tư thế tốt nhất để ngồi làm việc là đặt hai chân xuống mặt sàn; bắp đùi và cẳng chân vuông góc với nhau. Trong trường hợp ghế quá cao, chân không thể chạm tới đất, bạn có thể tìm một bệ đỡ để đặt chân cho thoải mái.
Vừa làm việc vừa ăn
Công việc nhiều khiến dân văn phòng rơi vào tính trạng vừa làm việc vừa ăn hoặc có người giữ thói quen vừa ăn vừa xem phim hoặc lướt Facebook, đọc báo...
Tuy nhiên, điều này vô tình làm cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn, dạ dày tiết nhiều axit, lâu dần sẽ dẫn tới việc bị viêm loét dạ dày.
Ăn không đúng giờ
Nhiều người thường ăn trưa quá muộn, có lúc đến tận 1-2 giờ chiều mới ăn. Thói quen này cần được thay đổi ngay lập tức bởi ăn không đúng giờ sẽ làm rối loạn nhịp sinh học bình thường của cơ thể, từ đó khiến dạ dày tiết nhiều axit hơn và làm ảnh hưởng đến dạ dà cũng như các cơ quan khác.
Ăn xong nằm ngủ luôn
Giờ nghỉ trưa rất quan trọng đối với con người. Nhiều nhân viên văn phòng thường tranh thủ những phút nghỉ trưa ngắn ngủi, gục mặt xuống bàn để ngủ trưa. Tuy nhiên, việc đi ngủ ngay sau khi ăn có ảnh hưởng rất xấu, làm quá trình lưu thông máu đến hệ tiêu hóa bị giảm, việc tiêu thụ thức ăn trở nên chậm chạp, trì trệ, lâu dần có thể gây ra bệnh về dạ dày, đường ruột.