Suy gan thận sau khi tắm thác
Vietnamnet dẫn thông tin từ Khoa Nội thận - Tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho biết, các bác sĩ gần đây cấp cứu cho bệnh nhân P.V.T (trú tại Định Hóa, Thái Nguyên) bị suy thận và gan cấp do nhiễm xoắn khuẩn Leptospira.
Theo gia đình, 7 ngày trước khi nhập viện, anh T. cùng bạn có đi chơi ở thác nước. Về nhà, anh xuất hiện sốt, mẩn ngứa toàn thân, đi ngoài phân lỏng nhiều lần và sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự điều trị. Khi thấy nôn nhiều, đi tiểu ít, người bệnh vào viện huyện.
|
Bác sĩ thăm khám lại cho anh T. sau cấp cứu lọc máu. Ảnh: BVCC/Vietnamnet. |
Các bác sĩ chẩn đoán anh bị suy thận cấp, được chỉ định truyền dịch, đặt xông tiểu, chống toan máu nhưng tình trạng không đỡ nên chuyển Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên điều trị. Tại đây, bệnh nhân được điều trị nội khoa và lọc máu cấp cứu. Sau lọc máu, các chỉ số được cải thiện rõ rệt.
Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân T., bác sĩ phát hiện trên cơ thể người bệnh có những biểu hiện điển hình của một loại vi khuẩn gây tổn thương gan thận, như sốt, vàng da, vàng mắt, xét nghiệm có tổn thương chức năng gan, thận và đặc biệt có tiền sử dịch tễ là đi chơi ở thác nước. Bác sĩ đã tiến hành làm thêm các xét nghiệm về vi khuẩn và virus, kết quả người bệnh dương tính với xoắn khuẩn Leptospira.
Xoắn khuẩn Leptospira nguy hiểm sao?
Xoắn khuẩn Leptospira gây bệnh Leptospirosis (bệnh xoắn khuẩn vàng da), thường ký sinh trên gia súc, gia cầm và nguồn nước ô nhiễm.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ, con người có thể bị nhiễm bệnh thông qua việc tiếp xúc với nước tiểu (hoặc các chất dịch khác trên cơ thể) từ động vật bị nhiễm bệnh, hoặc tiếp xúc với nước, đất hoặc thực phẩm bị nhiễm nước tiểu (chất dịch khác) của động vật bị nhiễm bệnh.
Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da, đặc biệt nếu da bị trầy xước, hoặc màng nhầy (mắt, mũi hoặc miệng). Uống nước bị ô nhiễm cũng có thể gây nhiễm trùng.
|
Ảnh: Wikipedia. |
Khi nhiễm xoắn khuẩn Leptospira, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, nôn mửa, vàng da, mắt đỏ, đau bụng, tiêu chảy và phát ban.
Nhiều triệu chứng trong số này có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Ngoài ra, một số người nhiễm có thể không xuất hiện triệu chứng ban đầu.
Thời gian ủ bệnh thường là từ 2 ngày đến bốn tuần, thường khởi phát với triệu chứng sốt,...Bệnh Leptospirosis có thể xảy ra trong hai giai đoạn:
- Sau giai đoạn đầu (sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ, nôn mửa hoặc tiêu chảy), bệnh nhân có thể hồi phục một thời gian nhưng lại bị bệnh trở lại.
- Nếu giai đoạn thứ hai xảy ra, tình trạng nghiêm trọng hơn; người bệnh có thể bị suy thận hoặc gan hoặc viêm màng não.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh Leptospirosis có thể dẫn đến tổn thương thận, viêm màng não, suy gan, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Nguy cơ mắc bệnh Leptospirosis có thể giảm đáng kể bằng cách không bơi hoặc lội trong vùng nước có thể bị nhiễm nước tiểu (chất dịch) động vật hoặc loại bỏ tiếp xúc với động vật có khả năng bị nhiễm bệnh.
Những người phải tiếp xúc với nước hoặc đất bị ô nhiễm do công việc hoặc các hoạt động bắt buộc thì nên mặc quần áo, đi giày bảo hộ.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Phương pháp mới phát hiện vi khuẩn trong vài phút