Gần đây, miếng dán kích hoạt tế bào gốc được nhiều người nổi tiếng quảng cáo là có tác dụng kỳ diệu. Trên Facebook được giới thiệu là "fanpage chính thức" của vợ chồng diễn viên H.Đ và Á hậu A.C (đang định cư ở Canada) có gần nửa triệu lượt theo dõi quảng cáo miếng dán X39 đang “cháy hàng”.
Theo tìm hiểu của phóng viên VietNamNet, người bán tên M.T, với trang facebook cá nhân có "tích xanh", thường xuyên bình luận tích cực trên facebook của vợ chồng nổi tiếng trên đây, giới thiệu miếng dán kích hoạt tế bào gốc X39 (Stem cell) theo cơ chế: "Cơ thể có lỗi gì, nó sẽ kích hoạt, sản sinh, sửa chữa, thay thế các tế bào gốc hư tổn (nguyên nhân gây bệnh) bằng các tế bào gốc mới".
Cũng theo lời người bán, đối với người lớn, trong thời gian ngắn, miếng dán tròn này sẽ “giúp xử lý hầu hết tất cả các vấn đề cơ thể” như tiểu đường, thoái hoá đốt sống cổ, đau nhức cơ thể (đầu, vai gáy, lưng, khớp...), viêm xoang, dị ứng, gout, giãn tĩnh mạch… Sức đề kháng và năng lượng tăng lên đáng kể, ngủ ngon.
“Thậm chí cả những bệnh mãn tính tưởng chừng phải sống suốt đời mà giờ cũng cải thiện rõ rệt”, người bán cho biết. Đối với người trẻ, sẽ có cải thiện rất nhiều như: đẹp da, tóc giảm rụng và mọc nhiều, giảm bạc, trẻ hoá, săn chắc da, tăng miễn dịch, tăng năng lượng khoẻ mạnh...
Theo lời khuyên của người bán, liệu trình dùng miếng dán kích hoạt tế bào gốc là trong 30 ngày, mỗi ngày dùng 1 miếng dán và khuyên nên dùng liên tục 3 tháng. Một gói gồm 30 miếng dán có giá 3,6 triệu đồng chưa thuế và phí vận chuyển từ nước ngoài về.
|
Hình ảnh quảng cáo trên facebook người bán M.T và tư vấn với khách hàng về miếng dán kích hoạt tế bào gốc chữa "bách bệnh". Ảnh chụp màn hình |
“Mỗi ngày chưa đến 1 ly cafe mà có thể xử lý vô vàn vấn đề cho sức khỏe mà không dùng thuốc”, người bán M.T cho biết. Tại Việt Nam, miếng dán này được rao bán trên các sàn thương mại điện tử với giá dao động từ gần 3 triệu đồng tới 4 triệu đồng.
Tiến sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bày tỏ sự bất ngờ khi nghe tên và cơ chế kích hoạt tế bào gốc rất thiếu cơ sở khoa học của sản phẩm này.
Theo ông, trước đây, tại Việt Nam, một số cơ sở thử nghiệm dùng sóng laser nội mạch để kích thích tế bào gốc giúp điều trị một số bệnh. Tuy nhiên, do vai trò kích hoạt không rõ, lại tốn kém, trong khi các phương pháp điều trị khác cho hiệu quả mạnh mẽ và rõ nét hơn nên các cơ sở trên đã từ bỏ.
'Khuếch đại công dụng sản phẩm phản khoa học!'
Tế bào gốc là một loại tế bào độc đáo được đặc trưng bởi hai tính năng quan trọng: Khả năng tự làm mới và khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau. Theo các chuyên gia, tế bào gốc có tiềm năng rất lớn, là xu hướng trong tương lai, mong muốn đưa công nghệ tế bào gốc ứng dụng trong y học dự phòng, y học tái tạo và điều trị.
Tiến sĩ Vũ Thái Hà cho biết tại Việt Nam, Bộ Y tế cho phép sử dụng tế bào gốc điều trị một số bệnh lý về máu, trong đó có ung thư máu. Bên cạnh đó, các loại ung thư khác liên quan đến “liều chết” cũng được nghiên cứu ứng dụng, tức là trong trường hợp có bắt buộc phải dùng hóa chất mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư, thầy thuốc phải lấy tế bào gốc của bệnh nhân ra rồi nuôi cấy. Khi đủ số lượng tế bào gốc hồi phục, thầy thuốc sẽ đánh liều hóa chất mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư cho bệnh nhân sau đó sẽ truyền lại tế bào gốc sau khi đã nuôi cấy cho chính người bệnh.
|
Những dòng bình luận của người bán M.T (tích xanh) về công dụng của "miếng dán kỳ diệu" trên facebook chính thức của một cặp diễn viên Việt Nam nổi tiếng. Ảnh chụp màn hình |
Tiến sĩ Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho hay tại bệnh viện này, sử dụng tế bào gốc được dùng để điều trị bệnh nhược cơ và lupus ban đỏ hệ thống (bằng cách ghép tế bào gốc tạo máu tự thân). Ông cũng cho biết trong điều trị bệnh tim mạch, sử dụng tế bào gốc “vẫn đang ở giai đoạn bình minh” nhưng đây là phương pháp “đầy triển vọng”.
Theo Tiến sĩ Hà, tế bào gốc trong điều trị về da mới đang được nghiên cứu chứ chưa được đưa vào phác đồ điều trị chính thức, chưa nói đến việc miếng dán ngoài da có thể giúp da đẹp, trị tóc bạc hay rụng nhờ cơ chế "kích hoạt tế bào gốc". Bộ Y tế cũng không cấp phép cho các loại sản phẩm, mỹ phẩm được chế xuất từ tế bào cơ thể người. Ngoài ra, tế bào gốc chỉ sử dụng tại các cơ sở y tế được cấp phép.
“Về cơ bản, lý do lớn nhất khiến Bộ Y tế Việt Nam và nhiều nước trên thế giới chưa cấp phép rộng rãi cho việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị và làm đẹp do liên quan đến việc kiểm soát được sự phát triển tế bào có nguy cơ sinh ra khối u. Việc khuếch đại công dụng, tung hô một cách vô căn cứ gây hiểu nhầm bệnh nào cũng có thể điều trị được chỉ bằng một miếng dán là phản khoa học, thậm chí là vô đạo đức”, ông Hà nói.
Đổ xô đi tiêm tế bào gốc và nhận kết đắng
Hiện một số loại tế bào gốc được sử dụng như từ động vật tự thân, đồng loài hoặc dị loại (như cừu) và tế bào gốc thực vật. Thực tế, theo vị chuyên gia, đánh vào tâm lý ngày càng lo cho sức khỏe của người dân, nhiều hội nhóm, trang mạng xã hội đã quảng cáo, tung hô công dụng của những phương pháp gắn mác “tế bào gốc”.
Không ít người quen của bác sĩ Hà có điều kiện kinh tế đã tin quảng cáo, sang nước ngoài tiêm truyền sản phẩm gọi là tế bào gốc. Với nữ giới, họ được hứa hẹn sẽ có làn da đẹp, căng sáng, trẻ hóa, khỏe toàn thân; còn quý ông được mời chào với lời hứa sẽ hết tiểu đường, tăng cường sinh lực...
Với phương pháp truyền, tiêm tế bào gốc tự thân, bệnh nhân sẽ có 2 lần di chuyển tới quốc gia đó, một lần để chọc lấy tế bào gốc, nuôi cấy mất 1 tháng, lần 2 sẽ đến để truyền. Nhiều người đi truyền với giá từ 20.000-50.000 USD tùy theo từng gói (tương đương gần 500 triệu đến gần 1 tỷ đồng) chưa kể chi phí đi lại và lưu trú. Bản thân người được tiêm truyền cũng không rõ là loại nào.
“Chúng tôi hỏi hiệu quả sau tiêm truyền, một số người ‘ngậm đắng’ nói trót mất nhiều tiền nên phải bảo với người khác là khỏe hơn, còn thật sự, họ không thấy sự khác biệt trong cơ thể”, bác sĩ Hà cho biết.
Tại Việt Nam, dùng tế bào gốc trong trị liệu, làm đẹp đang bị quảng cáo vô tội vạ và thường “đánh tráo khái niệm”. “Chỉ có chữ ‘stem cell’ trên sản phẩm thôi, người dân đã tưởng là tế bào gốc người, có thể điều trị, làm đẹp rồi”, bác sĩ Hà cho biết.
Thực chất, các quảng cáo gắn mác “tiêm tế bào gốc trẻ hóa da” được các cơ sở thẩm mỹ, spa giới thiệu không phải là tế bào gốc người như nhiều người nhầm tưởng. Đó chỉ là sản phẩm công nghệ tế bào gốc có nguồn gốc thực vật, sản phẩm quá trình nuôi cấy tế bào gốc người hoặc các sản phẩm có chứa yếu tố tăng trưởng.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại