Theo TVBS, vợ chồng anh Lưu, ngụ tại Sùng Châu (Tứ Xuyên, Trung Quốc) không muốn tiếp tục sinh thêm nên người chồng quyết định đi triệt sản.
Ngày 6/7, anh Lưu bỏ ra 7.000 nhân dân tệ (khoảng 23 triệu đồng) để triệt sản tại Bệnh viện Nhân dân Thục Đô, thành phố Sùng Châu. Bác sĩ cho biết đã triệt sản thành công nhưng trong thời gian đầu vẫn có tình trạng sót tinh dịch. Khoảng hai tháng sau, anh Lưu quay lại bệnh viện soi tinh dịch. Kết quả cho thấy tinh dịch vẫn xuất hiện tinh trùng, số lượng ít. Phía bệnh viện phản hồi phải sau triệt sản 3 tháng mới có thể chắc chắn hết tinh trùng.
Cho rằng bác sĩ Bệnh viện Thục Đô tay nghề không tốt, ngày 19/10 anh Lưu đến Bệnh viện Nhân dân Ôn Giang để kiểm tra lại. Kết quả, tinh dịch của người đàn ông này vẫn xuất hiện tinh trùng như bình thường. Điều đó chứng tỏ ca triệt sản thất bại.
|
Vợ anh Lưu có thai dù chồng đã triệt sản. Ảnh minh họa. |
Trong giai đoạn sau triệt sản, hai vợ chồng anh Lưu quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai. Cuối tháng 10, vợ anh phát hiện mình đã mang thai. Gia đình rất bất ngờ trước việc vợ anh có thai dù chồng đã triệt sản. Sau đó, họ đến bệnh viện chất vấn bác sĩ thực hiện thủ thuật.
Lúc này, bác sĩ cho biết ca triệt sản của anh không thành công. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng giấy cam kết thủ thuật anh Lưu đã ký có ghi rõ khả năng thành công không phải là 100%. Anh Lưu vẫn có khả năng sinh sản sau khi triệt sản, bệnh viện đã làm đúng quy trình.
Triệt sản nam (thắt ống dẫn tinh) là một biện pháp triệt sản vĩnh viễn ở những bệnh nhân nam không muốn có con. Những người đi triệt sản thường là người có đủ số con, người có mong muốn triệt sản theo ý thích của mình và người có vợ không thể áp dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình nào khác. Triệt sản nam đang được xem là biện pháp kế hoạch hóa gia đình an toàn nhất.
Video "Bé gái 12 tuổi đã sinh con ở Ukraine". Nguồn: VTC.
Thạc sĩ, bác sĩ (BS) Mai Bá Tiến Dũng (Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân) cho biết triệt sản nam là biện pháp thắt cột hai ống dẫn tinh. Có rất nhiều phương pháp để cột ống dẫn tinh, tuy nhiên phương pháp được áp dụng nhiều nhất đó là rạch một đường nhỏ ở dưới bìu rồi cột ống dẫn tinh.
Những người nam trước khi triệt sản đều được khám lâm sàng để xác định tình trạng của ống dẫn tinh, tinh hoàn, tim mạch, làm xét nghiệm tinh dịch đồ để xét nghiệm có tinh dịch hay không,…sau đó mới tiến hành triệt sản.
Theo BS Dũng, với kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, những yếu tố khiến người triệt sản vẫn có con có thể là do các trường hợp: thứ nhất với những bệnh nhân có dãy di xơ nằm ở ống phúc tinh mạc nhưng bác sĩ xác định nhầm đó là ống dẫn tinh nên tiến hành thắt cột. Trường hợp này đương nhiên ống dẫn tinh vẫn bình thường và tinh trùng vẫn còn nguyên.
|
Triệt sản nam chỉ đạt tỉ lệ tránh thai là 95%.
|
Thứ hai có thể do quá trình tạo nút chẹt trong lòng ống dẫn tinh không chính xác. Và cuối cùng là do khi thắt ống dẫn tinh xong rồi nhưng bác sĩ không để cho hai đầu của ống dẫn tinh rời ra thì phần này tự mọc lại, tự kết nối với nhau nên người triệt sản vẫn có thai tự nhiên.
Bên cạnh đó, BS Dũng lưu ý rằng sau khi triệt sản xong thì vẫn còn một lượng tinh trùng nằm trong đường dẫn tinh và túi tinh nên trong khoảng 3 tháng đầu, người triệt sản vẫn cần dùng các biện pháp tránh thai khác khi quan hệ.
Trước khi tiến hành, bệnh viện sẽ giải thích cho bệnh nhân đây là biện pháp triệt sản vĩnh viễn chứ không có cam kết bệnh nhân triệt sản sẽ chắc chắn không có khả năng sinh con. Triệt sản nam đạt tỉ lệ tránh thai là 95%.
Vì vậy, điều quan trọng là nam giới nên đến bệnh viện để phân tích tinh dịch khoảng ba tháng sau khi thắt ống dẫn tinh để đảm bảo rằng tinh dịch không còn tinh trùng khi xuất ra.