Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 1,1 tỷ người trong độ tuổi 12 đến 35 sử dụng các thiết bị âm thanh cá nhân với mức âm lượng không an toàn, có nguy cơ gây mất khả năng nghe vĩnh viễn. Nguy hiểm hơn, những người này không nhận được các chỉ dẫn y tế kịp thời và không nhận ra rằng các thói quen nghe nhạc của mình có hại cho đôi tai.
|
Ảnh minh họa. |
Thính giác sẽ không mất ngay khi bạn đeo tai nghe sai cách mà suy giảm theo thời gian. Chính vì thế nhiều người lơ là vấn đề này và chỉ đến khi tình trạng trở nên trầm trọng mới đi khám thì lúc này đã tệ hại.
Theo các chuyên gia, trong ốc tai của mỗi người có những tế bào lông phụ trách âm thanh. Mỗi tế bào phụ trách cho một tần số âm thanh khác nhau. Việc đeo tai nghe quá lâu sẽ kích thích các tế bào này, gây nên tình trạng mệt mỏi thính giác, không nghe rõ âm thanh người khác nói hoặc có cảm giác lùng bùng trong tai, mặc dù kết quả đo thính lực bình thường.
Bên cạnh đó, đeo tai nghe quá lâu cũng gây mệt mỏi cho não bộ, đặc biệt là các bạn trẻ có thói quen đeo tai nghe đi ngủ rồi ngủ quên mất. Khi tỉnh dậy, bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, uể oải, làm việc không tập trung.
Nếu bạn sử dụng tai nghe quá nhiều tiếng trong một ngày và duy trì thói quen này trong một thời gian dài, nghe với âm thanh quá lớn, có thể bạn sẽ phải đối mặt với việc suy giảm thính lực tạm thời, nhiễm trùng tai, thậm chí còn bị điếc vĩnh viễn.
Để tránh tác hại của đeo tai nghe đến sức khỏe, cần lưu ý:
- Người có bệnh về tai ngoài, tai giữa không nên đeo tai nghe lâu dài vì dễ khiến viêm tai tái phát.
- Tránh nghe tai nghe liên tục và quá lâu; cần có những khoảng thời gian nghỉ khi nghe. Tối đa chỉ nên nghe không quá 2 tiếng/ ngày.
- Thay vì nghe nhạc bằng tai nghe, nếu được, bạn có thể nghe nhạc bằng loa ngoài, như vậy bạn có thể cùng mọi người thưởng thức âm nhạc một cách an toàn, không gây hại đến tai.
- Hãy chọn những loại tai nghe lớn hơn, hoặc sử dụng headphone để có thể bao trùm lấy tai, không sử dụng những loại có kiểu dáng quá bé, như vậy nó sẽ lọt sâu vào trong tai.
- Hạn chế dùng tai nghe khi bạn đang đi ngoài đường, đang lái xe vì âm thanh môi trường càng lớn, bạn càng có xu hướng hướng mở âm lượng lớn hơn. Đồng thời, vừa nghe nhạc khi đang đi trên đường cũng là một trong số những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.