Sốt, đau tức vùng hạ sườn phải đi khám phát hiện túi mật... chứa hàng trăm viên sỏi
Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết, vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi cắt túi mật cho bệnh nhân nữ 54 tuổi, trú tại xã Minh Tân (Cẩm Khê, Phú Thọ). Túi mật được lấy ra có chứa hàng trăm viên sỏi lớn nhỏ màu vàng óng.
BS Hà Quốc Toản, khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết, đây là ca phẫu thuật có số lượng sỏi nhiều nhất được thực hiện tại trung tâm.
|
Hàng trăm viên sỏi lấp đầy túi mật người phụ nữ. Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê - Phú Thọ |
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân có tiền sử sỏi túi mật nhiều năm, điều trị viêm túi mật nhiều lần và có chỉ định cắt túi mật. Tuy nhiên, bệnh nhân chưa sắp xếp được thời gian để phẫu thuật. 5 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân sốt nóng, đau tức vùng hạ sườn phải nên nhập viện điều trị.
Sau khi được các bác sĩ giải thích, phải tiến hành phẫu thuật cắt túi mật để loại bỏ nguyên nhân gây viêm, bệnh nhân đồng ý thực hiện phẫu thuật.
Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân tiến triển tốt và được xuất viện.
Biến chứng của sỏi túi mật
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), là một căn bệnh nguy hiểm nhưng sỏi túi mật thường không có triệu chứng, và được phát hiện tình cờ. Từ lúc có sỏi đến lúc có triệu chứng thường khoảng từ 3 đến 5 năm với những triệu chứng lâm sàng mơ hồ:
- Có thể đau thượng vị hoặc dưới sườn phải.
– Có hoặc không có sốt.
– Đợt cấp tính:
– Người bệnh đau nhiều, có thể sốt nóng hoặc không.
– Đại tiểu tiện bình thường.
– Khi đi khám thấy: Dưới sườn phải đau, phản ứng rõ; Thường sốt nóng, ít khi có sốt nóng, sốt rét; Khi có sốt, sốt nóng, sốt rét thì có thể sỏi kẹt cổ túi mật, chèn ép vào đường mật chính, hoặc sỏi đã di chuyển từ túi mật xuống ống mật chủ.
Khi sỏi túi mật rơi vào ống mật chủ có thể mổ nội soi cắt túi mật, mở vào ống mật chủ, nội soi đường mật trong mổ kiểm tra và tán sỏi. Đây là phẫu thuật khó khắn hơn nhiều khi chỉ có sỏi túi mật đơn thuần. Mặc dù kỹ thuật lấy sỏi ống mật chủ tốt nhưng khả năng tái phát của sỏi mật là rất cao, người bệnh phải mổ lại nhiều lần về sỏi đường mật chính.
Khi sỏi túi mật có triệu chứng không được điều trị, túi mật viêm hoại tử là hay gặp. Đây là biến chứng cấp cứu cần phải can thiệp phẫu thuật sớm.
Viêm túi mật mãn tính do sỏi, có tỉ lệ ung thư túi mật cao, tiên lượng xấu.
Các phương pháp điều trị sỏi túi mật
– Phẫu thuật: mổ mở hoặc mổ nội soi.
Với các phương pháp này, mổ cắt túi mật loại bỏ được nguồn gốc sinh ra sỏi. Thường sỏi túi mật là sỏi chuyển hóa cholesterol.
– Dẫn lưu túi mật tạm thời qua da dưới hướng dẫn của siêu âm.
Phương pháp này áp dụng với những người già yếu, có nhiều bệnh lí nền khó khăn với gây mê và hồi sức sau mổ. Nếu tiến hành phẫu thuật ngay khả năng hồi phục khó, nguy cơ tử vong cao. Dẫn lưu túi mật chỉ mang ý nghĩa tạm thời, sau đó hồi sức tốt cho bệnh nhân để phẫu thuật thì 2.
– Tán sỏi túi mật qua da:
Hiện nay, tán sỏi túi mật qua da là kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn hiện đại, hiệu quả ưu việt bảo tồn túi mật với các bệnh nhân dưới 40 tuổi, chức năng túi mật còn tốt (không có polyp/vách ngăn/tình trạng viêm mạn tính), bệnh nhân già yếu có bệnh lý toàn thân nặng như hô hấp, tim mạch…
Quá trình thực hiện kĩ thuật, bệnh nhân được kiểm soát tốt các tai biến thường gặp như chảy máu, nhiễm trùng, rò mật… Thời gian hồi phục ngắn, hạn chế biến chứng phẫu thuật, chỉ sau 3-5 ngày, bệnh nhân có thể xuất viện trở lại sinh hoạt, lao động bình thường.