Túi mật có nhiệm vụ cô đặc và lưu trữ dịch mật do gan tiết ra. Khi ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, túi mật sẽ co bóp đẩy dịch mật vào đường mật để tiêu hóa chất béo.
Khởi nguồn của sỏi mật là dịch mật. Khi dịch mật lưu trữ trong túi mật bị cứng lại, kết tinh thành các mảnh vật chất rắn sẽ gây ra sỏi túi mật, polyp túi mật. Quá trình này xảy ra theo ba điều kiện.
Thứ nhất, cholesterol dư thừa trong khi lượng muối mật bình thường hoặc mức cholesterol bình thường với số lượng muối mật giảm.
Thứ hai, quá trình tạo mầm tinh thể cholesterol tăng tốc hoặc chuyển đổi nhanh chóng từ thể lỏng sang tinh thể.
Thứ ba, túi mật giảm vận động làm các tinh thể lưu lại trong túi mật đủ lâu để tạo thành sỏi.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do thói quen ăn uống, lối sống sinh hoạt. Dưới đây là những thói quen gây sỏi mật mọi người nên tránh:
Bỏ bữa sáng
Túi mật thường bài tiết dịch mật vào buổi sáng, chuẩn bị trước cho việc tiêu hóa thức ăn sau một đêm nghỉ dài. Vì vậy, khi bỏ bữa sáng, mật không có thức ăn để tiêu hóa, dịch mật bị lưu lại trong túi mật lâu hơn.
Thói quen này kéo dài khiến dịch mật tích tụ trong túi mật và đường ruột, cholesterol do mật tiết ra bị lắng đọng, kết tinh và dễ hình thành sỏi mật. Để hạn chế nguy cơ bị sỏi mật, bạn nên ăn uống điều độ, đúng giờ, tránh bỏ bữa.
Bác sĩ chỉ thói quen tưởng vô hại nhưng dễ gây sỏi mật, polyp mật.
Ăn nhiều thịt đỏ và thực phẩm chiên rán
Chế độ ăn nhiều chất béo, lạm dụng đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thịt đỏ, nội tạng động vật làm tăng lượng cholesterol trong máu, tăng nguy cơ tích sỏi cholesterol trong mật. Ngoài ra, thói quen này cũng tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.
Người béo phì thường có chỉ số cholesterol máu cao, tích mỡ bụng, tăng insulin và lipid máu, kháng insulin, dẫn đến sự tăng bài tiết cholesterol ở gan, làm rối loạn chức năng túi mật. Vì thế, tỷ lệ mắc bệnh sỏi mật, viêm túi mật cao hơn người bình thường.
Để tránh bị sỏi mật, polyp túi mật bạn nên hạn chế ăn thức ăn nhanh hoặc các thực phẩm nhiều dầu mỡ, giàu cholesterol. Thay vào đó, bạn nên tăng cường ăn nhiều rau xanh, hoa quả và chất xơ. Chất xơ giúp ngăn ngừa tích tụ cholesterol trong mật, giảm khả năng hình thành sỏi mật.
Lạm dụng đồ ngọt
Ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng đường cao đẩy nhanh quá trình tích tụ cholesterol, gây mất cân bằng tỷ lệ cholesterol, axit mật, lecithin trong mật. Ngoài ra, ăn nhiều đồ ngọt cũng khiến tăng cân nhanh, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, khiến gan sản sinh nhiều cholesterol hơn. Đây có thể là điều kiện thuận lợi để sỏi hình thành trong mật.
Lười vận động
Tập thể dục thể thao thường xuyên giúp đốt cháy calo, giảm nguy cơ thừa cân, béo phì, giảm nguy cơ bị sỏi mật. Theo nghiên cứu của Đại học Cambridge và một số đơn vị với hơn 25.600 người, đăng trên Tạp chí Tiêu hóa và Gan mật châu Âu, người tham gia hoạt động thể chất mức độ cao giảm 70% nguy cơ phát triển sỏi mật có triệu chứng sau 5 năm.
Ngược lại, ngồi lâu một chỗ, lười vận động, nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn so với người tập thể dục thường xuyên. Bạn nên duy trì tập thể dục ít nhất 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần 30 phút.
Giảm cân nhanh
Chế độ ăn kiêng quá mức, nhịn ăn có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật. Do sự thay đổi cân nặng đột ngột khiến gan giải phóng nhiều cholesterol vào mật, dẫn đến hình thành sỏi. Tốt nhất, người thừa cân, béo phì nên giảm cân từ 5-10% so với cân nặng ban đầu trong khoảng thời gian 6 tháng để tránh nguy cơ bị sỏi mật.
Chỉ khi túi mật bị viêm, người bệnh mới cảm nhận được cơn đau bên phải phía dưới xương sườn, giữa hai bả vai hoặc ở vai phải; rối loạn tiêu hóa; buồn nôn, nôn; bồn chồn; đổ mồ hôi; mệt mỏi, sốt trên 38 độ.
Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, tình trạng tắc mật dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tụy cấp do sỏi, viêm mủ đường mật và áp xe gan mật, chảy máu đường mật, thậm chí tử vong do sốc nhiễm khuẩn. Để phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm, mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ.
ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)