Thuốc kém chất lượng có hiệu quả trong điều trị hay không, có nguy hại gì cho người sử dụng hay không? Đó là câu hỏi đang được dư luận đặt ra trước thông tin công ty Dược phẩm Sohaco nhập thuốc kém chất lượng 2 lần chỉ trong 1 năm.
Cụ thể, ngày 17/6/2016, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có công văn chỉ đạo về việc cấm lưu hành trên cả nước thuốc Efixime 100DT kém chất lượng (số lô FNB-07, ngày sản xuất 26/9/2014, hạn dùng 25/9/2017, số đăng ký VN-4941-10, do Công ty All Serve Healthcare Pvt., Ltd (Ấn Độ) sản xuất) của Dược phẩm Sohaco nhập khẩu, do có chất lượng kém.
Trước đó, đầu tháng 4/2016, thuốc Doxicef-100 (Cefpodoxim Proxetil 100mg - có số lô: BE02, NSX: 12/9/2014, HD: 11/9/2017, SĐK: VN-4944-10 do Công ty Pragya Life sciences Pvt. Ltd Ấn Độ sản xuất) do chính CTDP&TM Sohaco nhập khẩu về nước, cũng bị Sở Y tế Hà Nội gấp gáp thu hồi do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu mô tả và chỉ tiêu định lượng.
Thuốc kém chất lượng của Sohaco không thể chữa khỏi bệnh
Trao đổi với PV Kiến Thức, Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó chủ tịch Hội Dược học Việt Nam cho rằng, là thuốc kém chất lượng thì không được lưu hành tại Việt Nam, cố tình nhập khẩu và phân phối là vi phạm pháp luật cần phải được xử lý, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng.
Ông Hùng phân tích: “Thuốc kém chất lượng khiến hiệu quả điều trị không được như mong muốn, thậm chí còn kéo dài thời gian trị bệnh của bệnh nhân”.
Đồng quan điểm trên, ThS. BS Phạm Bá Hiển, Phó giám đốc Bệnh viện Đống Đa Hà Nội, một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị các bệnh truyền nhiễm cho biết: “Thuốc có nhiều biệt dược khác nhau, nhưng cùng là một hoạt chất. Nồng độ, hàm lượng theo đăng kí có thể giống nhau nhưng bản chất thì chất lượng khác nhau. Thuốc kém chất lượng không thể làm khỏi bệnh, thậm chí trong nhiều trường hợp, còn làm diễn biến bệnh nặng hơn.”
Rõ ràng, dùng thuốc, nhất là những kháng sinh như Efixime 100DT (Cefixime 100mg) là để điều trị bệnh tật. Tuy nhiên, bất chấp việc đây là một loại thuốc kém chất lượng, Dược phẩm Sohaco vẫn nhập về. Bệnh thì không chữa được, mà tứ được duy nhất thấy được là lợi nhuận chảy về túi doanh nghiệp.
Người dân có tin tưởng được uy tín của những DN dược lớn như Sohaco?
Về vấn đề thuốc kém chất lượng thì ai phải chịu hậu quả, ThS Phạm Bá Hiển cho biết: “Thường khi kê đơn, các bác sỹ đều lựa chọn thuốc của các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối có uy tín vì tin rằng chất lượng thuốc sẽ tốt. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đó lại cố tình làm sai các quy định về nhập khẩu thuốc, thì người bệnh chính là người nhận hậu quả.”
Hằng ngày, có hàng ngàn người bệnh trên đất nước này phải điều trị bằng những viên thuốc kháng sinh để mong giữ sức khỏe và tính mạng. Nhưng hành động liên tiếp vi phạm về việc nhập khẩu thuốc kém chất lượng của Sohaco, về lý là vi phạm quy định của pháp luật, còn về tình, là nhẫn tâm đầu độc đồng bào mình. Người dân liệu có thể tin tưởng vào một tập đoàn dược phẩm lớn chỉ biết đặt lợi nhuận lên trên hết?
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, hiện nay Sohaco có hệ thống phân phối tại hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, đã tiếp thị cung ứng thuốc vào trên 300 bệnh viện, hàng ngàn nhà thuốc và phòng khám bệnh. Đây được đánh giá là đơn vị phân phối và nhập khẩu lớn nhất miền Bắc.