Đây là những câu hỏi được đặt ra liên quan vụ việc Sohaco nhập thuốc kém chất lượng, bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ra quyết định thu hồi thuốc kháng sinh Efixime 100DT (số lô FNB-07, ngày sản xuất 26/9/2014, hạn dùng 25/9/2017, số đăng ký VN-4941-10) vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu mô tả và chỉ tiêu định lượng.
Thu hồi được 20% số hộp thuốc đã bán ra
Theo báo cáo của Công ty CP Tập đoàn Dược phẩm và thương mại Sohaco gửi Cục quản lý Dược Bộ Y tế ngày 24/6 về việc thu hồi thuốc Efixime 100DT kém chất lượng, tổng số lượng thuốc bán ra là 10.000 hộp, đã thu hồi được 2.117 hộp, nghĩa là 7.883 hộp thuốc còn trôi nổi trên thị trường hoặc đã được người dân/ người bệnh sử dụng (đến thời điểm hiện nay (6/7), Kiến Thức vẫn chưa có được con số chính xác thu hồi).
|
Báo cáo thu hồi thuốc Efixime 100DT kém chất lượng mà Sohaco cung cấp.
|
Như vậy, hậu quả mang lại từ 7.883 hộp thuốc Efixime 100DT kém chất lượng mà Sohaco nhập khẩu, được phản ánh bằng con số thực tế người bệnh mua phải và đã sử dụng như thế nào? Chưa kể, dư luận còn thắc mắc liệu số lượng thuốc Efixime 100DT mà Sohaco nhập về và nhà phân phối cung ứng ra thị trường có phải 10.000 hộp hay nhiều hơn? Đây vẫn là câu hỏi chưa có lời giải, nhưng theo nhiều chuyên gia y tế, thuốc kém chất lượng gây nguy hại cho sức khỏe người dân/ người bệnh.
ThS. BS Phạm Bá Hiển, Phó giám đốc Bệnh viện Đống Đa Hà Nội, một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị các bệnh truyền nhiễm cho biết: “Thuốc có nhiều biệt dược khác nhau, nhưng cùng là một hoạt chất. Nồng độ, hàm lượng theo đăng kí có thể giống nhau nhưng chất lượng khác nhau. Thuốc kém chất lượng không thể làm khỏi bệnh, thậm chí trong nhiều trường hợp, còn làm diễn biến bệnh nặng hơn”.
Nhận định về việc nhiều doanh nghiệp dược lớn như Sohaco làm ăn bát nháo, Bác sĩ Trần Trọng An - Nguyên phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho rằng: “Những loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn nhởn nhơ tồn tại ngoài thị trường, đến tay bệnh nhân. Những loại thuốc này đã được cấp phép, và nếu bị phát hiện thì thu hồi, chế tài xử phạt cùng thật nhẹ nhàng… Thuốc cứ bán và người bệnh vẫn vô tình mua phải. Nhưng đừng quên, còn thuốc kém chất lượng thì có nghĩa là còn đầu độc cả một thế hệ Việt Nam".
Phải bồi thường cho người bệnh đã dùng Efixime 100DT kém chất lượng
Trao đổi với Kiến Thức, Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Thiên Thanh (Hà Nội) cho biết: “Theo khoản 1 Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: "Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này". Nghĩa là người tiêu dùng phải được bồi thường vì sử dụng thuốc kém chất lượng của Dược phẩm Sohaco.
|
Luật sư Trần Tuấn Anh, công ty luật Thiên Thanh, Hà Nội. |
Luật sư Trần Tuấn Anh phân tích thêm: “Sử dụng thuốc kém chất lượng, hay còn được hiểu là sử dụng một “sản phẩm khuyết tật”, người dân dù ít dù nhiều cũng lãnh hậu quả. Ví dụ như nếu thuốc không gây ngộ độc thì sử dụng cũng có những tác hại về lâu về dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Mặt khác điều dễ nhận ra là thuốc kém chất lượng không đạt hiệu quả điều trị sẽ kéo dài thời gian trị bệnh, khiến bệnh nhân tốn tiền bạc nhiều hơn. Nhưng thông thường thì các doanh nghiệp thường chỉ thu hồi và thoái thác trách nhiệm với người dân”.
Chị Mai Linh ( Mỹ Đình – Hà Nội) cho biết: “Đã nhiều lần gia đình phải chạy vạy tiền để mua thuốc vì có người mắc bệnh nặng. Thế nên, trước thông tin thu hồi thuốc của một doanh nghiệp lớn như Sohaco mà làm ăn như vậy thì không biết bao nhiêu người dân tiền mất, tật mang”.
"Sohaco có bồi thường bao nhiêu cũng không thể chấp nhận, không thể bỏ qua cho một doanh nghiệp Dược phẩm lớn mà làm ăn coi thường người bệnh như thế. Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm của Sohaco đối với những người bệnh đã dùng phải thuốc Efixime 100DT kém chất lượng...", bác Ngưng ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc nói.