Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy nếu vỏ gối không được giặt và thay trong vòng một tuần, lượng vi khuẩn bám vào chúng cao gấp 17.000 lần so với bệ bồn cầu.
Bác sĩ da liễu Triệu Chiêu Minh, người Trung Quốc, cho biết con số thực tế có đáng báo động hay không vẫn còn phải bàn, nhưng bản thân bác sĩ quả thực đã điều trị nhiều trường hợp viêm nang lông nặng ở vùng sau não và điểm chung là vỏ gối, khăn gối của những bệnh nhân này chưa hề được thay trong thời gian dài.
|
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy vỏ gối chứa đầy lớp biểu bì, mồ hôi và bông nước bọt cũng như nấm và vi khuẩn. Nhóm nghiên cứu đã lấy vỏ gối chưa giặt làm mẫu và nuôi cấy vi khuẩn trong 7 ngày.
Kết quả nếu vỏ không được giặt trong một tuần, lượng vi khuẩn sẽ lớn gấp 17.000 lần so với bệ bồn cầu. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo nên thay vỏ gối hoặc giặt sạch vỏ gối thường xuyên.
Tiến sĩ Hadley King, bác sĩ da liễu tại Đại học Y Weill thuộc Đại học Cornell, khuyên nên vệ sinh vỏ gối ít nhất hai lần một tuần, vì khi mọi người đi ngủ, ga trải giường, vỏ gối đã bị nhiễm lớp biểu bì chết, mồ hôi và lớp trang điểm kết hợp nước thơm, lông, lông thú cưng, các vi khuẩn và virus vô hình.
Tiến sĩ Hadley cho rằng lớp biểu bì và mồ hôi là thức ăn của mạt bụi, tạo điều kiện cho chúng sinh sản trên giường. Không chịu thay vỏ gối thường xuyên có thể gây dị ứng, nhiễm trùng da hoặc viêm nhiễm.
Bác sĩ Triệu Chiêu Minh cũng chỉ ra rằng so với ga trải giường và vỏ chăn, vỏ gối bẩn hơn vì da đầu và tóc dễ tiết dầu, thường bám bụi khi ra ngoài, vào mùa hè nhiệt độ cao, nóng ẩm rất dễ xảy ra hiện tượng này. Nếu không gội đầu trước khi đi ngủ, vỏ gối sẽ bám đầy bụi bẩn, không giặt thường xuyên sẽ có vấn đề.
Cách đây không lâu, một bệnh nhân nam 28 tuổi đã tới gặp bác sĩ Triệu Chiêu Minh với tình trạng trên đầu có nhiều cục cứng, viêm nang lông nặng, ngứa và đau. Hỏi bệnh sử và điều kiện sinh hoạt, được biết bệnh nhân là người phụ trách công việc giao hàng, phải đi xe máy và đội mũ bảo hiểm rất lâu, sau khi về nhà do quá mệt anh không gội đầu thường xuyên. Thêm vào đó, trung bình sáu tháng anh mới thay vỏ gối một lần, khi vải đã ố vàng và bốc mùi lạ.
Do mức độ nghiêm trọng của triệu chứng nên ngoài việc bôi thuốc còn phải dùng thuốc uống, bằng hai hướng tiếp cận, tình trạng viêm nang lông sau gáy của bệnh nhân dần được cải thiện.
Bác sĩ Triệu Chiêu Minh nhắc nhở, phải vệ sinh cá nhân thật tốt, đặc biệt khi tắm và gội đầu, phải xả sạch và sấy khô tóc trước khi đi ngủ. Ngoài ra, bạn nên thường xuyên thay vỏ gối để tránh bị viêm nang lông sau đầu hay nổi mụn ở má.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Phương pháp mới phát hiện vi khuẩn trong vài phút